Quyết định đảo ngược này được đưa ra được cho là do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ do lo ngại ảnh hưởng tới tiến trình bầu cử khi cuộc bầu cử đang tới gần, mặc dù trước đó nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong một thông báo, ông Louis DeJoy cho biết để tránh gây bất kỳ tác động tới việc bỏ phiếu qua bưu điện, ông quyết định tạm ngừng thực hiện các cải cách cho tới khi cuộc bầu kết thúc. Theo thông báo, giờ bán lẻ tại các bưu cục sẽ được giữ nguyên, các thiết bị xử lý bưu phẩm và các thùng thu gom sẽ không bị loại bỏ, và không một cơ sở xử lý bưu phẩm nào bị đóng cửa. Ngoài ra, ông DeJoy cũng cho biết cơ quan này sẽ sử dụng "nguồn lực dự phòng", bắt đầu từ ngày 1/10, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông DeJoy vẫn khẳng định sẽ tiếp tục cải cách cơ quan này sau mùa bầu cử.
Ngay sau thông báo trên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ca ngợi quyết định của ông DeJoy, tuy nhiên vẫn cho biết Hạ viện Mỹ sẽ vẫn có kế hoạch đưa ra các hành động lập pháp, đồng thời nhấn mạnh đó là điều mà các nhà lập pháp đảng Dân chủ đang cố gắng thực hiện.
Trước đó, ông DeJoy, người đã đóng góp tài chính cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi sâu rộng đối với USPS, bao gồm cả thay đổi nhân sự cấp cao, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này, qua đó cho phép USPS giảm chi phí và tăng doanh thu. Ngoài ra, USPS sẽ tạm dừng tuyển dụng và yêu cầu nhân viên tự nguyện nghỉ hưu sớm và tái cơ cấu với 3 đơn vị vận hành gồm bán lẻ và giao hàng, hậu cần và chế biến, các giải pháp thương mại và kinh doanh, đồng thời tiến hành sáp nhập, từ 7 khu vực hoạt động xuống còn 4 khu vực. Ông DeJoy nêu rõ mục tiêu của cơ quan là đảm bảo phục vụ người dân Mỹ cũng như hoạt động bưu chính toàn cầu bằng cách duy trì và vận hành một hệ thống cơ sở hạ tầng thống nhất và thông suốt.
Tuy nhiên, do quan ngại điều này có thể ảnh hưởng tới tiến trình bầu cử khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ mới đây đã ký vào bức thư kêu gọi ông đảo ngược kế hoạch trên. Bức thư, có chữ ký của Chủ tịch Pelosi và 174 thành viên khác của quốc hội, đã nêu lên những lo ngại kế hoạch tái cơ cấu USPS có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện. Các nghị sĩ nhấn mạnh khi cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, USPS vận hành trơn tru là vấn đề có ý nghĩa sống còn.