Dịch bệnh đang tiếp tục lây lan ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Tại châu Á, Bộ Y tế Lào ngày 24/11 cho biết nước này ghi nhận 1.336 ca mắc mới và 5 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca bệnh tại Lào là 65.818 ca, trong đó có 142 người tử vong. Bộ trên nêu rõ tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước vẫn đáng lo ngại khi số ca mắc mới tiếp tục gia tăng tại tất cả 18 tỉnh, thành. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất từ trước đến nay và nhiều nhất cả nước, với 712 ca, tăng 120 ca so với ngày 23/11, khiến số bản được quy định là vùng đỏ vẫn ở mức cao với 333 bản tại 9 quận.
Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại Malaysia. Tiến sĩ Chow Ting Soo, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Penang, cho biết ở thời điểm hiện tại, khoảng 90% dân số đã được tiêm vaccine tại hầu hết các nước có chiến dịch tiêm chủng lớn, do đó số ca mắc mới sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, số ca mắc mới sẽ tăng trở lại do sự xuất hiện của các biến thể mạnh hơn và có khả năng lây truyền cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm dần nên ngay cả khi đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có thể mắc COVID-19. Do vậy, Tiến sĩ Ting Soo nhấn mạnh ngành y tế Malaysia đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại khi xảy ra làn sóng dịch lần thứ tư.
Chính phủ Indonesia chính thức thông báo áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 đồng loạt trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Theo đó, chính quyền trung ương Indonesia yêu cầu lãnh đạo các địa phương siết chặt và giám sát việc triển khai các quy định phòng dịch COVID-19 theo PPKM cấp độ 3 tại các nhà thờ, khu mua sắm và các điểm du lịch. Tất cả các quảng trường trên cả nước cũng bị cấm mở cửa trong những ngày lễ cuối năm, trong khi nhà thờ, các điểm thu hút khách du lịch, trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim có thể mở cửa với 50% công suất tối đa. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức các chốt kiểm tra trên các tuyến giao thông trọng điểm nhằm giám sát dòng người đổ về quê.
Tại Campuchia, Bộ Y tế và Ủy ban liên bộ chống COVID-19 của nước này đã công bố các quy định đi lại, các biện pháp y tế và cách ly mới đối với du khách nhập cảnh nhằm thích ứng với trạng thái bình thường mới. Theo đó, du khách đã tiêm đủ liều vaccine cần có giấy chứng nhận tiêm phòng và giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia do cơ quan y tế nước ngoài, hoặc nước khách quá cảnh cấp. Khi đến Campuchia, du khách phải thực hiện xét nghiệm nhanh và chờ kết quả. Đối với hành khách chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi cơ bản, khi nhập cảnh phải xét nghiệm nhanh. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Campuchia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 và quốc gia Đông Nam Á này đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Bộ Y tế Campuchia ngày 24/11 xác nhận có thêm 34 ca mắc mới và 5 ca tử vong, trong đó 3 ca chưa tiêm phòng.
Trong khi đó, Singapore và Malaysia thông báo vào tuần tới sẽ triển khai luồng du lịch trên bộ, cho phép những người đã tiêm phòng COVID-19 đi qua cửa khẩu biên giới hai nước mà không cần phải cách ly. Kế hoạch dự kiến có hiệu lực vào ngày 29/11 tới.
Hàn Quốc thông báo ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này với 4.116 ca. Số ca nguy kịch và tử vong cũng ở mức cao nhất trong một ngày, lần lượt là 586 ca và 35 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, có tới 4.088 ca lây nhiễm cộng đồng trong 4.116 ca mắc mới. Hiện tổng số ca mắc trên cả nước tăng lên tới 425.065 ca, trong đó có 3.363 ca tử vong. Tính trung bình, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,79%. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này dường như diễn biến nghiêm trọng hơn so với dự báo, đặc biệt khu vực thủ đô Seoul đang ở trong "tình trạng khẩn cấp". Khu vực này là nơi tập trung khoảng 50% trong tổng số dân 52 triệu người ở Hàn Quốc. Do vậy, Thủ tướng Boo-kyum kêu gọi cơ quan chức năng cân nhắc triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp dựa trên đánh giá nguy cơ dịch bệnh của giới chức y tế.
Trong bối cảnh châu Âu đang trở thành tâm dịch của thế giới khi số ca mắc mới tại Trung và Đông Âu tăng mạnh, nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao nhất. Bộ Y tế Slovakia cho biết nước này đã ghi nhận 10.315 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 631.738 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại quốc gia Đông Âu này. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Slovakia là hơn 14.000 ca. Theo số liệu của trang Our World in Data, Slovakia hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới. Sau khi Áo, quốc gia láng giềng của Slovakia, quyết định áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong ít nhất 10 ngày, Slovakia cũng dự định triển khai các bước tương tự khi chính phủ nhóm họp trong ngày 24/11.
Số ca nhiễm mới theo ngày tại CH Séc cũng đã lần đầu tiên vượt 25.000 ca. Séc đã ghi nhận thêm 25.864 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2 triệu ca, trong đó có hơn 32.000 ca tử vong do COVID-19. Theo trang Our World in Data, Séc có là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao thứ 4 trên thế giới. Số bệnh nhân phải nhập viện đã tăng từ mức 1.000 ca cách đây một tháng lên khoảng 5.600 ca. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 và thấp hơn so với mức đỉnh là 9.551 ca.
Hungary đã ghi nhận thêm 12.637 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.045.000 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hungary là 33.519 ca. Tuần trước, Hungary đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao và tỷ lệ tiêm phòng của nước này khá thấp so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU). Để khuyến khích người dân tiêm phòng, Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, khi cho phép người dân đi tiêm mà không cần đăng ký.
Ba Lan cũng ghi nhận 28.380 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ tháng 4, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3,4 triệu ca. Số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 460 ca, lên 81.688 ca.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon cho rằng cần cân nhắc tiêm liều vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi.