Tòa công lý quốc tế cho phép Iran tiếp tục vụ kiện nhằm vào Mỹ

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 3/2 đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về việc cho phép Tehran tiếp tục theo đuổi vụ kiện nhằm đảo ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ và gọi đây là một “chiến thắng”. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif viết: “Một chiến thắng pháp lý khác dành cho Iran”. Theo ông, ICJ “đã bác bỏ mọi sự phản đối ban đầu của Mỹ trong vụ kiện được Iran đưa ra đối với các lệnh trừng phạt phi pháp của Mỹ”. Quan chức ngoại giao Iran tuyên bố nước này luôn tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế và đã đến lúc Mỹ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình. Phát biểu trên ngụ ý kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa Mỹ quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran. 

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của tòa. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chúng tôi thất vọng khi tòa án đã không chấp nhận những lý lẽ pháp lý có cơ sở của chúng tôi và vụ kiện mà Iran đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của tòa án”. Tuy nhiên, ông Ned Price cũng tuyên bố Mỹ rất tôn trọng ICJ. 

Trước đó cùng ngày 3/2, các thẩm phán của ICJ - tòa án cấp cao nhất của LHQ chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia - đã ra phán quyết nêu rõ họ có thể xét xử vụ kiện của Iran đối với Mỹ, trong đó Tehran nỗ lực tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington. Đa số trong hội đồng gồm 16 thẩm phán cho rằng ICJ có thẩm quyền xét xử vụ kiện này. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng có thể sẽ mất vài năm. 

Iran đã kiện Mỹ lên ICJ cách đây 3 năm, viện dẫn Washington vi phạm Hiệp ước Hữu nghị mà hai nước ký năm 1955. 

Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) đã ký JCPOA vào năm 2015. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Cũng trong năm này, ICJ đã yêu cầu Mỹ nới lỏng trừng phạt nhằm vào hàng hóa nhân đạo cho Iran, nhưng Washington đã đáp lại bằng việc chính thức chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị đã ký với Tehran năm 1955. Mỹ cũng tuyên bố ICJ không có thẩm quyền và phải từ bỏ vụ kiện, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt Iran là cần thiết với cáo buộc Tehran gây ra mối "đe dọa" đối với an ninh quốc tế. Tuy nhiên, các thẩm phán của ICJ đã bác bỏ mọi đề xuất phản đối này của Mỹ. 

Đáp lại hành động đơn phương rút khỏi JCPOA của Mỹ, Iran cũng đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani.

Trần Quyên - Đặng Huyền (TTXVN)
Tổng thống Iran bác bỏ mọi thay đổi trong JCPOA
Tổng thống Iran bác bỏ mọi thay đổi trong JCPOA

Tổng thống Iran Hassan Rouhani bác bỏ mọi thay đổi đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc cũng như những lời kêu gọi mở rộng các điều khoản của thỏa thuận và đưa các nước trong khu vực tham gia thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN