Quyết định trên xuất phát từ vụ kiện của một nhóm người sử dụng iPhone hồi năm 2011. Những người này cho rằng mức hoa hồng 30% trên doanh số của Apple thông qua việc bán ứng dụng trên App Store là hành vi độc quyền không công bằng, dẫn đến giá các ứng dụng tăng cao và người dùng phải gánh chịu. Trong khi đó, Apple lập luận rằng khách hàng không có quyền khiếu kiện do tập đoàn này chỉ đơn thuần đóng vai trò trung gian cho các hãng phát triển các ứng dụng.
Trong phán quyết mới nhất, các thẩm phán đã bác bỏ lập luận trên của Apple với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Thẩm phán Brett Kavanaugh nhấn mạnh người tiêu dùng có quyền theo đuổi vụ kiện trên do họ có mối quan hệ mua bán trực tiếp với Apple. Theo thẩm phán Kavanaugh, khi nhà bán lẻ có hành vi chống độc quyền khiến người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn, người mua sản phẩm của công ty đó có quyền kiện và buộc công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Giáo sư về luật chống độc quyền John Lopatka - thuộc Đại học bang Penn, đánh giá phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ làm gia tăng sức ép đối với các công ty như Apple. Một số nhà hoạt động cũng hoan nghênh quyết định trên như một chiến thắng trong cuộc chiến chống lại hành vi độc quyền của các "đại gia" công nghệ.
Phán quyết trên được đưa ra trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích do thống trị các mảng kinh doanh chủ chốt của nền kinh tế trực tuyến. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên đảng Dân chủ chạy đua chức Tổng thống Mỹ năm 2020, từng đề xuất trừng phạt các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google và Apple nếu có hành vi độc quyền và gây tổn hại đến sự riêng tư của người dùng. Apple cũng đang đối mặt với các vụ kiện tại châu Âu do lạm dụng nền tảng của mình để phân biệt đối xử với các ứng dụng của đối thủ.