Trong đơn kiện, bà Valadez, 89 tuổi, sống tại bang Illinois (Mỹ), cho rằng bệnh ung thư của bà do sử dụng Zantac không kê đơn và các phiên bản gốc của thuốc này từ năm 1995 - 2014. Các vụ kiện khác về loại thuốc này cho rằng trong một số điều kiện, hoạt chất ranitidine trong Zantac sẽ biến thành chất gây ung thư được gọi là NDMA. Luật sư của bà Valadez đã đề nghị mức bồi thường lên tới 640 triệu USD, song thẩm phán đã bác yêu cầu này.
Tại tòa, các luật sư của nhà sản xuất thuốc GSK và Boehringer đã lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy bà Valadez đã dùng Zantac trong 18 năm và có nhiều yếu tố khác có khả năng dẫn đến việc bà mắc ung thư ruột kết. Các luật sư cũng phản bác rằng thuốc Zantac đã nhiều lần được chứng minh là an toàn và hiệu quả và không có nghiên cứu khoa học hoặc y tế nào nói về mối liên kế giữa Zantac với bệnh ung thư.
Bồi thẩm đoàn tại tòa án hạt Cook, bang Illinois, đã đồng ý với lập luận của GSK và Boehringer rằng nguyên đơn đã không chứng minh được bệnh ung thư ruột kết của bà ít nhất một phần là do việc sử dụng thuốc Zantac gây ra.
Một trong những luật sư của bà Valade, ông Mikal Watts cho biết ông tôn trọng phán quyết trên, song tin tưởng rằng các công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trong các phiên tòa xét xử liên quan đến thuốc Zantac trong tương lai.
GSK, có trụ sở tại Anh, đã phát triển loại thuốc này nhưng sau đó đã bán nhãn hiệu này cho các công ty khác và Boehringer Ingelheim - nhà sản xuất thuốc của Đức. Boehringer Ingelheim bán thuốc này từ năm 2006-2017 và là bị cáo duy nhất trong phiên xử, do các vụ kiện với những công ty khác đã được dàn xếp.
Được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 1983, thuốc dạ dày Zantac trở thành loại thuốc bán chạy nhất thế giới vào năm 1988 và là một trong những loại thuốc đầu tiên đạt doanh thu hàng năm 1 tỷ USD.