Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề tranh chấp toàn cầu của J&J Erik Haas đã hoan nghênh kết luận trên của bồi thẩm đoàn bang Florida. Theo ông này, kết luận của bồi thẩm đoàn cho thấy sản phẩm có chứa bột talc của J&J là an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư.
Gia đình bà Patricia Matthey, người sống ở bang Florida và sử dụng hằng ngày sản phẩm phấn rôm cho trẻ em của J&J từ năm 1965 đến tháng 8/2016, thời điểm bà bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, đã kiện J&J. Trước khi qua đời, bà Matthey đã làm chứng rằng những quảng cáo về sản phẩm phấn rôm cho trẻ em của J&J khiến bà nghĩ rằng mình “bẩn” và cần phấn rôm trẻ em của J&J để trở nên sạch sẽ hơn. Gia đình bà Matthey cáo buộc J&J trong nhiều thập kỷ đã biết bột talc mà hãng sử dụng trong phấn rôm trẻ em có thể chứa amiăng gây ung thư. Sau đó, J&J đã che giấu những bằng chứng khoa học liên quan đến việc các sản phẩm có chứa bột talc làm tăng nguy cơ ung thư.
Luật sư của gia đình bà Matthey, Leigh O'Dell cho biết bà tôn trọng quyết định của bồi thẩm đoàn nhưng sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện chống lại J&J trong tương lai.
J&J đã phải đối mặt với hơn 50.000 vụ kiện liên quan đến các sản phẩm chứa bột talc mà các nguyên đơn cáo buộc họ đã bị ung thư sau thời gian sử dụng một số sản phẩm của hãng này, hầu hết là phụ nữ mắc ung thư buồng trứng và một số trường hợp liên quan đến người bị ung thư trung biểu mô. J&J đang tìm cách giải quyết các vụ kiện bằng biện pháp đệ đơn xin bảo hộ phá sản nhưng tòa án đã bác bỏ 2 nỗ lực trước đó của hãng này. J&J đang xem xét việc nộp đơn phá sản lần thứ ba.
Chiến lược phá sản của J&J đã khiến các vụ kiện tụng về các sản phẩm chứa bột talc tạm dừng từ năm 2021-2023, nhưng các phiên tòa đã được nối lại sau khi đơn xin phá sản gần nhất bị bác bỏ.