Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong thông báo, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết đã tiếp nhận đơn kiến nghị từ Văn phòng Thanh tra kèm theo 20 đơn kiện của các cá nhân, song không có đơn kiện của ứng cử viên Thủ tướng, Chủ tịch đảng MFP Pita Limjaroenrat.
Trong khi đó, luật pháp Thái Lan quy định rõ chỉ những người mà các quyền của họ bị tác động trực tiếp bởi nghị quyết của Quốc hội mới có thẩm quyền gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp xem xét. Theo đó, tòa án nhận thấy Văn phòng Thanh tra cùng các cá nhân khởi kiện đều không phải là những thực thể, cá nhân có thẩm quyền gửi kiến nghị tòa xem xét vấn đề này.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 vừa qua, đảng MFP đã giành chiến thắng khi kiểm soát 151/500 ghế Hạ viện. Sau đó, đảng này đã thành lập một liên minh 8 đảng tiềm năng, bao gồm cả đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đứng thứ hai với 141 ghế, nhằm giành quyền thành lập chính phủ mới và kiểm soát 312 ghế tại Hạ viện. Liên minh này cũng đã nhất trí đề cử lãnh đạo đảng MFP Pita vào vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ngày 13/7, ông Pita chỉ giành được 324 phiếu ủng hộ trong tổng số 749 nghị sĩ tại lưỡng viện Quốc hội Thái Lan, không đủ quá bán tối thiểu để đắc cử thủ tướng. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 19/7, Quốc hội Thái Lan đã bác đề xuất của liên minh 8 đảng về việc tái đề cử ứng cử viên Pita với đa số phiếu tán thành.
Quyết định mới này của Tòa án Hiến pháp đã khép lại hoàn toàn cơ hội của đảng MFP có thể dẫn dắt chính phủ mới, đồng thời mở đường cho Quốc hội Thái Lan sớm tổ chức một cuộc bỏ phiếu bầu chọn thủ tướng mới trong những ngày tới.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết một cuộc họp chung của Quốc hội sẽ được triệu tập trong ngày 18/8 hoặc 22/8 để bầu thủ tướng mới. Trong khi đó, đảng Pheu Thai xác nhận sẽ đề cử ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng này vào vị trí thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.