Ngày 21/9, phóng viên TTXVN tại Phom Penh dẫn lời người phát ngôn ECCC Neth Pheaktra cho biết sau phiên xét xử đối với bị cáo Khieu Samphan vào ngày mai, phiên tòa này sẽ đưa ra bản án cuối cùng, khép lại hồ sơ số 002/02 cũng như toàn bộ hồ sơ vụ án số 002 sau quá trình tố tụng kéo dài 15 năm, tính từ thời điểm mở cuộc điều tra đầu tiên đến hoạt động xét xử và tuyên án kết thúc hồ sơ vụ án về tội ác diệt chủng của các lãnh đạo cấp cao chế độ Campuchia Dân chủ trong giai đoạn cầm quyền ở nước này từ ngày 17/4/1975 đến ngày 6/1/1979.
Khieu Samphan, 91 tuổi, hiện bị giam giữ trong khu tạm giam của ECCC, là bị cáo cuối cùng và duy nhất của phiên tòa này, trong khi các cựu lãnh đạo chủ chốt của chế độ Campuchia Dân chủ lần lượt qua đời trong tiến trình điều tra, xét xử. Trong số này, Ieang Sary, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao qua đời năm 2014 và một năm sau, vợ ông này - Ieang Thirith, nguyên Bộ trưởng các vấn đề xã hội của chế độ Campupchia Dân chủ, cũng qua đời.
Theo người phát ngôn ECCC, việc kéo dài thời gian thụ lý, điều tra và xét xử các cựu lãnh đạo cấp cao chế độ Campuchia Dân chủ xuất phát từ tính chất phức tạp của hồ sơ vụ án và tiến trình tố tụng.
Tháng 11/2018, trong một phiên xét xử, ECCC đã kết án ông Khieu Samphan, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch nước Nhà nước Campuchia Dân chủ, mức án tù chung thân với cáo buộc diệt chủng đối với người Việt Nam, tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng các công ước Geneva.
Báo chí sở tại dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-Cam) hồi tháng 8/2021 cho biết trong số trên 30.000 người dân được khảo sát, có 87% số ý kiến khẳng định phiên tòa này có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ.
ECCC được thành lập tháng 6/2003 theo một thỏa thuận giữa Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Liên hợp quốc nhưng có cơ chế hoạt động như một tòa án độc lập nhằm xét xử những đối tượng bị cáo buộc phạm tội ác diệt chủng ở Campuchia trong giai đoạn 1975 - 1979 dưới chế độ Campuchia Dân chủ.