Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), các tổ chức đào tạo kỹ thuật viên, nhà cung cấp dịch vụ bảo hành và thợ sửa chữa từ Milan (Italy), Melbourne (Australia) đến Malibu (Mỹ) đều cho rằng các xưởng sửa chữa độc lập sẽ đóng vai trò quan trọng vì chi phí rẻ hơn nhiều so với khi sửa ở các đại lý nhượng quyền.
Nhưng nhiều chủ gara tỏ ra ngần ngại khi chi phí đào tạo và trang bị thiết bị sửa chữa xe điện cao. Bên cạnh đó, hệ thống 400 và 800 volt khá nguy hiểm, chỉ trong vài giây cũng có thể gây giật điện và giết chết những kỹ thuật viên thiếu cẩn thận hoặc chưa qua đào tạo. Cùng với nguy cơ bị điện giật, nguy cơ cháy xe điện - vốn khó dập tắt - cũng được xem xét nghiêm túc.
Roberto Petrilli (60 tuổi), chủ một xưởng sửa chữa độc lập ở Milan (Italy), thừa nhận ông không muốn chi 30.000 euro cho các thiết bị cần thiết trong bối cảnh doanh số bán xe điện ở nước này vẫn còn thấp và mạng lưới sạc còn ít. Ông Petrilli nói: “Tôi còn bảy năm nữa là nghỉ hưu và tôi nghĩ điều đó không đáng”.
Ngành sửa chữa ô tô đã rơi vào cảnh thiếu nhân sự kể từ sau đại dịch COVID-19. Viện Công nghiệp Ô tô (IMI) có trụ sở tại Hertford (Anh) dự báo rằng với lệnh cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, nước Anh đến năm 2032 có thể thiếu 25.000 kỹ thuật viên xe điện.
IMI ước tính 20% kỹ thuật viên ô tô ở Anh đã được đào tạo về xe điện, nhưng chỉ 1% có đủ điều kiện để làm nhiều công việc hơn ngoài bảo trì định kỳ.
Cục Thống kê Lao động Mỹ dự đoán đến năm 2031 sẽ cần khoảng 80.000 lao động hàng năm, bao gồm các kỹ thuật viên sửa xe điện hoặc lắp đặt bộ sạc xe điện.
Trong khi đó, Australia có thể thiếu 9.000 kỹ thuật viên xe điện vào năm 2030. Các chuyên gia lo ngại những người thợ như ông Petrilli sẽ né tránh xe điện - khiến người tiêu dùng phải trả hóa đơn cao hơn và thời gian sửa chữa lâu hơn.
Dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ bảo hành ô tô đã qua sử dụng Warrantywise tại Anh cho thấy chi phí đang tăng lên. Bảo hành một năm cho một chiếc Tesla Model 3 có giá cao gấp ba lần mức trung bình của các mẫu xe chạy bằng xăng có mức giá bán tương đương.
Giám đốc điều hành Warrantywise - ông Lawrence Whittaker - cho biết chủ sở hữu xe sẽ phải tìm đến các đại lý nhượng quyền đắt tiền để sửa chữa xe điện vì họ thường có kỹ thuật viên trình độ cao hơn các cửa hàng độc lập. Ông Whittaker lo ngại rằng chi phí bảo hiểm và bảo hành cao hơn đồng nghĩa với việc xe điện vẫn quá đắt đỏ đối với nhiều người tiêu dùng.
Các nhà sản xuất ô tô cũng đang nỗ lực đào tạo kỹ thuật viên. Tesla đã triển khai các khóa học tại nhiều trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ để đào tạo kỹ thuật viên tương lai. Tesla cũng cung cấp chương trình đào tạo về xe điện cho các xưởng sửa chữa độc lập ở Mỹ.
Trong khi đó, IMI đã phát triển các khóa đào tạo về ô tô và đang triển khai các khóa học về xe điện trên khắp Trung Quốc. IMI đặt mục tiêu thực hiện điều tương tự ở Ấn Độ cũng như trên khắp châu Âu.
Tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Siemens có trụ sở tại Mỹ đã công bố một chương trình trị giá 30 triệu USD để đào tạo các kỹ thuật viên Mỹ lắp đặt và bảo trì bộ sạc xe điện.