Thông báo của chính quyền sở tại nêu rõ cuộc khủng hoảng nước vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" ở phần lớn khu vực thung lũng sông Po, đặc biệt là tại các vùng Piedmont và Lombardy. Tình trạng thiếu nước ở hai vùng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây do hạn hán kéo dài. Hạn hán là mối quan ngại đặc biệt trong những tháng tới.
Cùng ngày, Liên đoàn các công ty nước, môi trường, năng lượng và khí đốt Italy (Utilitalia) cho biết 19 thành phố tại Piedmont đang phải đối mặt với mức độ thiếu nước cao nhất, tăng so với 7 thành phố trước đó. Xét lượng mưa dự kiến trong những tuần tới, tình hình có thể còn xấu hơn. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang diễn ra ở một số khu vực quan trọng và cơ quan chức năng đã điều động xe bồn chở nước bổ sung cho các hồ chứa.
Lượng mưa và tuyết rơi thấp trong mùa đông năm nay càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn sau đợt hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng kéo dài mà Italy phải hứng chịu vào mùa hè năm ngoái. Ngoài ra, nhiệt độ mùa đông ấm hơn cũng khiến tuyết tan, hiện tượng đáng lo ngại vì tuyết là nguồn cung cấp nước quan trọng vào mùa xuân và mùa hè khi băng tan đảm bảo nguồn cung cấp nước trong những tháng cần thiết nhất.
Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (CNR) của Italy cho biết lượng mưa ở miền Bắc nước này đã giảm 40% trong năm 2022 và việc không có mưa từ đầu năm 2023 đến nay rất nghiêm trọng.
Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy Luca Mercalli, cho biết: “Không có gì thay đổi kể từ năm 2022. Nước sông Po vẫn cạn. Nếu năm nay tiếp tục không có mưa xuân, thì đây sẽ là lần đầu tiên Italy không có mưa xuân trong 2 năm liên tiếp”.
Ngày 1/3 vừa qua, Chính phủ Italy đã quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm trực thuộc Văn phòng Thủ tướng để giám sát việc soạn thảo kế hoạch hành động nhằm giải quyết các tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Trong kế hoạch này có chiến dịch nâng cao nhận thức về việc sử dụng nguồn nước một cách có trách nhiệm, chuẩn bị cho năm hạn hán thứ hai liên tiếp tại quốc gia này.
Theo kế hoạch, chính phủ sẽ bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt có quyền hành pháp. Chính phủ cũng đang chuẩn bị một nghị định mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục liên quan các biện pháp can thiệp cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấ do khủng hoảng nước.
Các chuyên gia cho biết lần gần đây nhất Italy trải qua 2 năm hạn hán liên tiếp là các năm 1989 - 1990, nhưng tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) thông báo tình trạng khan hiếm nước đang ảnh hưởng tới 300.000 trang trại.
Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, bão mạnh, lũ lụt và hạn hán đang xuất hiện thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn do tác động của biến đổi khí hậu.