Ngày 26/3, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục chứng kiến dịch bệnh tăng mạnh, diễn biến leo thang đáng ngại, đặc biệt là tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Tính tới rạng sáng 27/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 5.732 ca mắc COVID-19, trong đó có 585 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 152 người, tăng 30 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 436 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca bệnh mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Malaysia |
2.031 |
+235 |
23 |
+3 |
215 |
Thái Lan |
1.045 |
+111 |
4 |
0 |
88 |
Indonesia |
893 |
+103 |
78 |
+20 |
35 |
Philippines |
707 |
+71 |
45 |
+7 |
28 |
Singapore |
683 |
+52 |
2 |
0 |
172 |
Việt Nam |
153 |
+5 |
0 |
|
20 |
Brunei |
114 |
+5 |
|
|
5 |
Campuchia |
96 |
|
|
|
10 |
Lào |
6 |
+3 |
|
|
|
Myanmar |
3 |
|
|
|
|
Timo-Leste |
1 |
|
|
|
|
Indonesia ghi nhận ngày đáng buồn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, trong vòng 24h qua, đã có 20 người thiệt mạng vì bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 78. Đây là ngày có số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều nhất tại Indonesia.
Nước này cũng xác nhận có thêm 103 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Indonesia lên 893.
Indonesia đang trở thành “điểm đen” của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á với các ca lây nhiễm gia tăng mỗi ngày trong khi số lượng và tỷ lệ tử vong tử vong đứng đầu khu vực. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng này có thể sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn. Dịch bệnh cũng được dự báo sẽ kéo sụt đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia vạn đảo này.
Một số ý kiến cho rằng, con số người mắc bệnh COVID-19 nói trên có khả năng thấp hơn nhiều so với thực tế do quy mô xét nghiệm hạn chế. Tính đến ngày 20-3, Indonesia mới chỉ tiến hành 1.898 xét nghiệm COVID-19, tương đương với khoảng 7 xét nghiệm trên 1 triệu dân, so với mức hơn 5.000 ở Hàn Quốc và hơn 2.000 tại Italy.
Thậm chí, Campuchia - quốc gia có quy mô dân số bằng 1/16 và quy mô GDP chưa tới 2% GDP của Indonesia - cũng đã có số lượng xét nghiệm gần bằng với nước này. Số lượng cơ sở xét nghiệm cũng chỉ mới được mở rộng từ 1 lên 12 cơ sở cách đây vài ngày. Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về vấn đề COVID-19, ông Achmad Yurianto cho biết, ước tính có khoảng 600.000-700.000 người dân nước này có nguy cơ bị mắc bệnh.
Malaysia là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao nhất trong ngày 26/3, với 235 trường hợp. Tính tới thời điểm này, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.031 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 23 người tử vong.
Nhà vua và Hoàng hậu Malaysia đang tự cách ly sau khi 7 nhân viên làm việc tại Hoàng cung Istana Negara bị xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hãng thông tấn quốc gia Bernama ngày 26/3 đưa tin Trưởng ban tài chính Hoàng gia Malaysia cho biết Nhà vua Abdullah Ri'ayatuddin cùng Hoàng hậu Tuanku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah được chẩn đoán âm tính với virus. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định tự cách ly 14 ngày kể từ hôm 25/3.
Về phần 7 nhân viên làm việc tại Hoàng cung cung Istana Negara, ông Ahmad Fadli cho biết các bệnh nhân đều trong tình trạng ổn định. Cổng thông tin Malaysiakini dẫn lời Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah cho hay cơ quan này đang điều tra nguyên nhân khiến 7 nhân viên trên bị nhiễm virus.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã triển khai các biện pháp giới hạn đi lại để ngăn tình trạng lây nhiễm gia tăng. Lệnh giới hạn ban đầu được áp dụng đến ngày 31/3 song vừa được gia hạn đến ngày 14/4.
Tại Thái Lan, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan đã lập 7 trạm kiểm soát ở thủ đô Bangkok và 350 trạm khác tại nhiều tỉnh để kiểm tra những người đi lại liên tỉnh nhằm giúp kiềm chế dịch COVID-19.
Thông báo được công bố trên báo chí địa phương ngày 26/3 cho biết các điểm kiểm soát được thành lập sau khi thủ tướng nước này giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy giám sát các biện pháp an ninh liên quan đến đại dịch COVID-19. Nhân lực tại các trạm kiểm soát bao gồm binh lính, cảnh sát và công chức dân sự, những người sẽ kiểm tra người qua lại về các triệu chứng của COVID-19 và hành vi dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm hoặc lây nhiễm sẽ được giữ tại những địa điểm thích hợp. Thông báo nêu rõ các biện pháp sẽ được áp dụng chỉ khi cần thiết để giảm thiểu tác động lên cuộc sống hàng ngày.
Tính đến hết ngày 26/3, Thái Lan đã ghi nhận 1.045 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 25/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến ngày 30/4, cùng 16 biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm soát đi lại liên tỉnh, khuyến khích người dân ở lại trong nhà..., nhưng chưa áp đặt giới nghiêm.
Bộ Y tế Philippines ngày 26/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 7 ca tử vong và 71 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết tính đến nay, Philippines đã xác nhận tổng cộng 707 người nhiễm virus và 45 người tử vong, trong đó có 6 bác sỹ. Ông Duque cảnh báo rằng số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới khi triển khai thêm việc xét nghiệm virus.
Tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 26/3 thông báo đã có thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 6 ca chỉ 2 hai ngày sau khi có 2 ca nhiễm đầu tiên. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 25/3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã yêu cầu người dân tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc xã hội, đồng thời cân nhắc trước khi có ý định di chuyển tới các địa phương khác. Thủ tướng Lào cũng yêu cầu các cơ quan hạn chế tối đa việc họp hành hoặc tổ chức các hoạt động đông người, áp dụng hình thức làm việc tại nhà và giao tiếp trực tuyến nếu điều kiện cho phép.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động Lào tại các nước láng giềng, chủ yếu ở Thái Lan trở về nước rất đông, đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh.
Singapore cùng ngày cũng đã xác nhận thêm 52 người nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên 683 người. Bộ Y tế Singapore cho biết trong số 52 bệnh nhân mới có 28 ca bệnh từ nước ngoài vào Singapore.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố gói ngân sách bổ sung thứ hai, gọi là gói Ngân sách Phục hồi, nhằm đối phó với tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, gói Ngân sách Phục hồi này sẽ có giá trị lên tới 48,4 tỷ SGD (khoảng 33 tỷ USD) và tập trung vào ba mục tiêu chính gồm duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động và đảm bảo mức sống người dân; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trước mắt; và củng cố, tăng cường năng lực tự phục hồi xã hội và kinh tế.
Chính phủ sẽ phân bổ 15,1 tỷ SGD cho Gói Hỗ trợ Việc làm, tăng hơn 10 lần so với gói hỗ trợ tương tự được công bố trong Ngân sách 2020. Gói hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp và công ty giữ cho 1,9 triệu người lao động Singapore tiếp tục được làm việc. Theo ông Heng, gói hỗ trợ này có giá trị hơn gấp đôi gói hỗ trợ được triển khai trong thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Myanmar và Timo Leste không ghi nhận thêm ca tử vong vì COVID-19 nào trong ngày 26/3.