Mỹ tiếp tục là quốc gia đứng đầu về số ca mắc với 81.658.973 ca, trong đó có 1.004.244 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 43.021.982 ca mắc, trong đó có 521.098 ca tử vong; Brazil với 29.852.341 ca mắc và 659.012 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Campuchia đang nỗ lực ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trước thềm Tết Khmer bằng cách áp dụng trở lại quy định xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với lao động nước này trở về từ Thái Lan. Các quan chức Campuchia đã bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng các ca mắc khi lao động Campuchia từ Thái Lan về nước đón Tết Khmer ngày càng đông. Hiện có trên 1.000 lao động Campuchia trở về từ Thái Lan đang phải cách ly ở biên giới.
Trong khi đó, Lào cảnh báo khả năng bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền vào giữa tháng 4 tới. Để người dân không tụ tập đông khiến dịch bùng phát mạnh, Chính phủ Lào mới đây đã chỉ thị không tổ chức các sự kiện chào mừng. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp hạn chế phần nào bởi dù không tổ chức các sự kiện công cộng ngoài trời, người dân vẫn sẽ tổ chức tiệc tùng tại nhà, có thể dẫn tới các đợt bùng phát dịch nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống. Do vậy, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn, tiếp tục đi tiêm vaccine đủ các mũi cơ bản và tiêm các mũi tăng cường.
Tại Thái Lan, Bộ Thể thao và Du lịch nước này (MoTS) đang xem xét thay thế yêu cầu xét nghiệm RT-PCR sau khi nhập cảnh bằng xét nghiệm nhanh (ATK) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, từ ngày 1/5, MoTS xem xét đề xuất cho phép khách du lịch vào Thái Lan nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, du khách nước ngoài muốn nhập cảnh vào Thái Lan phải đăng ký xin mã nhập cảnh (Thailand Pass), trong đó yêu cầu người nhập cảnh có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh; đồng thời phải xét nghiệm RT-PCR trong ngày đầu tiên nhập cảnh và thêm một xét nghiệm ATK vào ngày thứ 5 lưu trú. Tuy nhiên, MoTS sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước này để xem xét đưa ra quyết định cuối cùng.
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải đông dân nhất nước này đã siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm hai giai đoạn phòng ngừa đại dịch COVID-19, theo đó yêu cầu người dân ở một số khu dân cư ở trong nhà để được xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc hàng ngày ở thành phố này đã vượt quá 4.400 ca. Thành phố với khoảng 25 triệu dân này đã bước sang ngày thứ hai thực hiện lệnh phong tỏa. Từ 5h sáng 28/3 đến 5h sáng 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ 3h sáng 1/4 đến 3h sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha bước sang giai đoạn mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó chính phủ quyết định dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế từng được áp dụng để phòng dịch.
Theo đó, COVID-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu tại Tây Ban Nha. Giới chức đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly 7 ngày với những người mắc bệnh nếu không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Những người này được khuyến nghị đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với những người dễ chịu tổn thương nhưng vẫn được phép đi làm. Hình thức làm việc từ xa vẫn được khuyến khích áp dụng khi có thể. Yêu cầu cách ly vẫn có hiệu lực với một số trường hợp, giống như áp dụng với những ca nhiễm cúm thể nặng. Khán giả đến sân theo dõi các sự kiện thể thao sẽ được mang theo đồ ăn và thức uống như trước đây. Các biện pháp kiểm soát sẽ tập trung bảo vệ nhóm trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền có nguy cơ cao trở nặng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Những người khỏe mạnh và ít tuổi hơn không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận tình trạng nhiễm bệnh.