Tình hình dịch COVID-19 hết 22/4 tại ASEAN: Toàn khối có trên 33.300 bệnh nhân, Singapore vượt mốc 10.000 ca

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 22/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 33.318 ca mắc COVID-19, trong đó 1.240 người tử vong. Số ca nhiễm tăng mạnh khiến Singapore phải gia hạn giãn cách xã hội thêm 4 tuần.

Số người mắc COVID-19 ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung ở bốn nước: Singapore (10.141 ca), Indonesia (7.418 ca), Philippines (6.710 ca) và Malaysia (5.532 ca). Số ca mắc bệnh ở bốn nước này chiếm tới gần 90% tổng số ca toàn khối ASEAN.

Biểu đồ số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong ở các nước ASEAN (số liệu ngày 22/4):

Chú thích ảnh

Các nước có số ca COVID-19 dưới 100 là Lào (19) và Timor-Leste (23). Campuchia và Việt Nam là hai nước không ghi nhận ca mắc bệnh mới trong nhiều ngày gần đây.

Xét về số ca tử vong, Indonesia dẫn đầu khối với 635 ca, tiếp đó là Philippines với 446 ca. Singapore có số ca nhiễm SARS-CoV-2 chiếm gần một phần ba toàn khối nhưng tỷ lệ tử vong thấp khi chỉ có 11 trường hợp.

Việt Nam, Lào, Timor-Leste và Campuchia chưa ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 tính tới nay.

Số ca nhiễm tại Singapore vượt mốc 10.000 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại một chợ ở Singapore ngày 22/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore ngày 22/4 cho biết tính nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên thành 10.141 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn xuất phát từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài. Trong số các ca nhiễm mới ngày 22/4 có 15 ca nhiễm là công dân Singapore và người có thẻ thường trú dài hạn.

Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Singapore có chiều hướng giảm, xuống còn bình quân 28 ca/ngày trong tuần qua so với 39 ca/ngày trong tuần trước đó. Tuy nhiên, trong số đó, số ca nhiễm không rõ nguồn gốc lại tăng nhẹ, từ 19 ca/ngày trong tuần trước đó lên 22 ca/ngày trong tuần vừa qua.

Tình hình trên đã khiến Singapore quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4. Trong cuộc họp báo chiều 21/4, giới chức Singapore thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ở mức báo động và nước này cần áp dụng các biện pháp mạnh để có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Singapore ngày 22/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore có tổng cộng 323.000 lao động nước ngoài sống tại 43 khu nhà, đến nay đã có trên 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Giới quan sát nhận định rằng với điều kiện sống chật chội, tỷ lệ nhiễm trong lao động nước ngoài có thể lên tới 5%, khoảng 15.000 người.

Các biện pháp mạnh được Singapore triển khai gồm cắt giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%. Một loạt dịch vụ cũng sẽ phải đóng cửa như các cửa hàng bán đồ uống đơn lẻ, các hiệu cắt tóc, giặt là... Toàn bộ số lao động nước ngoài tại 43 khu nhà ở và hơn 1.200 toà nhà nhỏ khác trên sẽ dừng làm việc và ở tại chỗ kể từ ngày 22/4, kể cả các lao động thuộc các công ty đã xin miễn trừ trước đây. 

Trong 2 tuần qua, Singapore đã đẩy mạnh xét nghiệm tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài để kịp thời phát hiện người lây nhiễm và cách ly. Hiện con số xét nghiệm hằng ngày dao động từ 1.500-2.500 người, thời gian tới có thể tăng lên 2.800-3.000 ca xét nghiệm mỗi ngày.

Tuy nhiên, giới chức Singapore cho biết nước này đang đối mặt nguy cơ thiếu bộ xét nghiệm khi triển khai xét nghiệm diện rộng. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết Singapore sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước, đồng thời sẽ phải mua thêm bộ thử và các trang thiết bị y tế từ nước ngoài.

Từ ngày 22/4 Singapore áp dụng quy định người dân đi chợ ngày chẵn lẻ theo số cuối của căn cước công dân tại 4 khu chợ lớn bán đồ tươi sống ở nước này, đồng thời bắt buộc đo thân nhiệt và lấy thông tin cá nhân khách hàng tại tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm để theo dõi tình hình lây nhiễm.

Với việc gia hạn phong tỏa đến ngày 1/6, kỳ nghỉ giữa năm học kéo dài 1 tháng (bắt đầu từ 1/6) của học sinh ở Singapore sẽ được đẩy sớm lên tháng 5, bắt đầu từ ngày 4/5 sau khi kết thúc thời gian học trực tuyến theo kế hoạch cách ly ban đầu. Các học sinh sẽ đi học trở lại vào ngày 2/6 nếu tình hình cho phép.

Malaysia và Thái Lan thận trọng cân nhắc nới lỏng phong tỏa

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Damansara, Malaysia ngày 30/3. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết trước khi chính thức gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, nước này sẽ áp dụng việc thực hiện đầy đủ 6 tiêu chí gồm: việc đảm bảo công tác kiểm soát biên giới; duy trì việc chấp hành Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO); hệ thống y tế phải giảm thiểu được thời gian tiến hành kỹ thuật tái tạo đoạn ADN; thực thi các luật bảo vệ những người có nguy cơ cao; người dân Malaysia cần thay đổi và chấp nhận tiêu chuẩn “bình thường kiểu mới” trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và Bộ Y tế Malaysia phải phối hợp với cộng đồng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại những cộng đồng dân cư có nguy cơ. 

Ông Noor Hisham nêu rõ 6 tiêu chí trên là điều kiện bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả bộ, ngành và người dân Malaysia. Đây là những điều kiện tiên quyết trước khi nước này tính tới phương án dỡ bỏ các hạn chế di chuyển.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob khẳng định dù số ca mắc COVID-19 mới tại Malaysia đang có xu hướng giảm rõ rệt, song nước này sẽ không nới lỏng việc thực hiện MCO. Người dân cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến MCO, trước mắt là đến hết ngày 28/4. Theo Bộ trưởng Ismail Sabri, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy sau khi những hạn chế đi lại được nới lỏng, số ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng trở lại, một số nước còn phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính vì vậy, Malaysia sẽ không để điều đó xảy ra.

Ngày 22/4, Bộ Y tế Malaysia thông báo đã ghi nhận thêm 50 trường hợp mắc COVID-19 và 1 người tử vong. Tính đến nay, số ca mắc COVID-19 tại nước này là 5.532, trong khi số người tử vong là 93. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 22/4, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố giới chức cần hết sức thận trọng khi đưa ra các bước tiếp theo, mặc dù số ca mắc COVID-19 đang giảm dần. Thủ tướng Prayut đã khẳng định ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng tình hình trước khi đưa ra quyết định để đảm bảo hiệu quả những thành tựu đạt được trong việc khống chế dịch bệnh. Dự kiến, Chính phủ

Thái Lan sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hay không vào ngày 28/4 tới, dựa trên thông tin cập nhật do Bộ Y tế nước này cung cấp.

Nội các Thái Lan vừa thông qua việc chuyển 10% ngân sách năm 2020 của các bộ, ngành vào ngân sách trung ương để đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế. Cục trưởng Cục Ngân sách Dechapiwat Na Songkhla cho biết chính phủ sẽ có hơn 3 tỷ USD, trong đó hầu hết chưa được giải ngân và không bị ràng buộc. Kế hoạch này được thông qua ngày 21/4, là một phần trong nhóm các biện pháp thứ ba của Chính phủ Thái Lan nhằm ngăn chặn tác động của dịch COVID-19. 

Trong ngày 22/4, Thái Lan ghi nhận thêm 15 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.826 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 49 ca tử vong.

Indonesia tăng cường nghiên cứu và chế tạo máy thở

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 21/4. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết bộ này đang phối hợp với ít nhất 4 nhóm nghiên cứu chế tạo máy thở. Bộ Công nghiệp sẽ tạo điều kiện để các nhóm dễ dàng tiếp cận, sử dụng nguyên liệu và linh kiện để nhanh chóng sản xuất máy thở đạt tiêu chuẩn; sẽ phối hợp Bộ Y tế để cấp phép. Theo Bộ trưởng Agus, hầu hết các nhóm này đang phát triển máy thở giá rẻ và sẽ bước vào giai đoạn sản xuất trong tháng 4. Riêng nhóm Đại học Yogyakarta sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Sau đại dịch COVID-19, Indonesia sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp đang khuyến khích sản xuất dược liệu thô từ thảo dược để cung cấp giá trị gia tăng cho ngành dược phẩm ở Indonesia, bằng cách tận dụng các thành phần thảo dược phong phú sẵn có trong nước.

Tính đến hết ngày 22/4, Indonesia đã xác nhận 7.418 ca mắc COVID-19, với 635 người tử vong và đã có 913 trường hợp được chữa khỏi.

Philippines có thêm 111 ca nhiễm SARS-CoV-2 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 22/4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 111 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 6.710 người.

Bộ trên cũng cho hay, Philippines có thêm 9 ca tử vong do COVID-19, nâng số ca tử vong do bệnh này lên thành 446 người ở quốc gia Đông Nam Á này. Cho đến nay, tổng cộng 693 bệnh nhân COVID-19 ở Philippines đã hồi phục.

Lào không ghi nhận ca mắc bệnh trong 10 ngày liên tiếp

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Tại cuộc họp báo chiều 22/4, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào mắc COVID-19. Như vậy, Lào đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong 10 ngày liên tiếp.

Tính tới chiều 21/4, Lào đã xét nghiệm tổng cộng 1.461 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, phát hiện 19 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp đã bình phục. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào là quốc gia có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, phần lớn lao động Lào trở về từ Thái Lan đã hoàn thành thời gian cách ly và chưa ghi nhận bất cứ trường hợp mắc COVID-19 nào. Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại Lào đang thúc đẩy chính phủ nước này xem xét việc thảo luận nới lỏng dần quy định giãn cách xã hội, đang được áp dụng theo chỉ thị 06/TTg.

Hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) cũng thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa từ ngày 8/5 tới. Theo đó, các khách hàng của hãng có thể bắt đầu đặt vé từ ngày 4/5 thông qua các đại lý hoặc đường dây nóng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tại sao người chết ở Mỹ cũng nhận được tiền hỗ trợ trong dịch COVID-19?
Tại sao người chết ở Mỹ cũng nhận được tiền hỗ trợ trong dịch COVID-19?

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đang gửi tiền hỗ trợ COVID-19 cho cả người đã chết và điều này không hề khó hiểu hay gây ngạc nhiên trong thời điểm hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN