Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 714.319 người. Thế giới vẫn còn tới 56.678 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 844.992 ca mắc bệnh và 47.430 ca tử vong. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 208.389 ca mắc và 21.717 ca tử vong. Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 187.327 ca mắc và 25.085 ca tử vong. Đứng thứ tư là Pháp với 159.877 ca mắc và 21.340 ca tử vong.
Gần 2/3 trong số các nạn nhân COVID-19 là ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 110.500 ca tử vong. Trong khi một số quốc gia như Bỉ và Thụy Sĩ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày và đã qua đỉnh dịch thì Nga và Anh ngày 22/4 vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới.
Tại châu Á, dịch vẫn "nóng" ở Singapore và Ấn Độ. Singapore đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 10.141 ca.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng tới người lao động cũng như người sử dụng lao động với dự báo tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ chịu tổn thất lớn về sản lượng và việc làm, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo đối với việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly hiện nay, theo đó người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố báo cáo cho thấy 188 quốc gia đã đóng cửa trường học các cấp tính tới ngày 4/3, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người. Các chuyên gia nhận định khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo vốn tồn tại trong các hệ thống giáo dục ngày càng bị nới rộng do việc đóng cửa trường học.
Châu Âu: Một số nước qua đỉnh dịch, Italy vượt 25.000 ca tử vong
Ngày 22/4, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này đã ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 187.327 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng 437 ca lên 25.085 trường hợp. Ngoài ra, Italy hiện có 23.805 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 2.384, giảm 87 trường hợp.
Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, ghi nhận thêm 1.161 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này lên 69.092 trường hợp, số ca tử vong là 12.740 ca (tăng 161 ca).
Chính phủ Italy đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 4/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nêu rõ chính phủ sẽ thông qua sắc lệnh mới về tình trạng khẩn cấp với gói hỗ trợ khoảng 50 tỷ euro. Trong giai đoạn 2, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn khi mà vẫn chưa có liệu pháp điều trị bệnh và vaccine phòng ngừa.
Theo Thủ tướng Conte, việc mở cửa trở lại sẽ tiến hành đồng nhất trên toàn lãnh thổ, song có xét đến đặc thù từng vùng. Ông khẳng định một giai đoạn rất phức tạp đang ở phía trước và nước này phải tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay, song phải dựa trên một kế hoạch chặt chẽ.
Cùng ngày, giới chức y tế Bỉ thông báo tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này đã vượt 6.000 người. Cụ thể, Bỉ ghi nhận tổng cộng 6.262 ca tử vong sau khi có thêm 266 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm cũng đã tăng lên thành 41.889 ca sau khi phát hiện thêm 933 ca mới.
Dù số ca tử vong tăng trở lại trong ngày 22/4 nhưng người phát ngôn của Trung tâm ứng phó khủng hoảng Bỉ Steven Van Gucht khẳng định quốc gia này đã qua đỉnh dịch và số ca tử vong mới tăng vì số liệu tại các nhà dưỡng lão cập nhật muộn. Bỉ đã gia hạn các biện pháp phong tỏa để phòng ngừa dịch bệnh lây lan tới ngày 3/5. Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ, cơ quan có quyền quyết định các biện pháp này, họp vào ngày 24/4 tới để thảo luận về kề hoạch nới lỏng hạn chế.
Tại Hà Lan, số ca tử vong cũng đã vượt mốc 4.000, lên 4.054 ca. Theo cập nhật của Viện Y tế cộng đồng Hà Lan (RIVM), hiện số ca nhiễm là 34.842 ca, tăng 708 ca trong 24 giờ qua. Viện này lưu ý con số thực tế có thể cao hơn vì có khả năng còn những ca nhiễm mà chưa được xét nghiệm.
Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo tổng số ca tử vong là 1.509, tăng 30 ca so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm cũng tăng lên thành 28.268 người, tăng 205 ca. Tốc độ gia tăng số ca mới hàng ngày có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây cho phép Chính phủ Thụy Sĩ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế từ ngày 27/4.
Tại Anh, ngày 22/4, Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định tới cuối tháng 4, quốc gia này sẽ đạt được mục tiêu xét nghiệm 100.000 người nghi nhiễm virus trong một ngày. Các số liệu chính thức hôm 21/4 cho thấy nước này đã tiến hành 18.206 xét nghiệm vào một ngày trước. Ngoại trưởng Raab đang tạm thời đảm nhận vai trò điều hành đất nước thay Thủ tướng Boris Johnson đang trong quá trình phục hồi sau khi phải nhập viện điều trị COVID-19. Hiện Anh ghi nhận 133.895 ca nhiễm và 18.100 ca tử vong. Phát biểu trước Quốc hội, ông Raab cũng nhận định quốc gia này đang bắt đầu bước qua giai đoạn đỉnh dịch.
Trong 24 giờ qua, trên toàn lãnh thổ LB Nga đã ghi nhận thêm 5.236 ca mắc, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 57.999 ca (tăng 9,9%). Cũng trong thời gian này, đã có thêm 57 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 513 ca. Hiện tổng số bệnh nhân được chữa khỏi bệnh lên 4.420 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm cao nhất với 2.548 người, đưa tổng số người bệnh lên 31.981.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha, ngày 22/4, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết chính phủ nước này có kế hoạch đến trung tuần tháng Năm tới sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động vốn được áp đặt để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng thống Trump: Mỹ nối lại hoạt động kinh tế an toàn
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 cho biết các bang nước này sẽ nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn, ngay cả khi một số quan chức y tế công cộng cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá nhanh có thể dẫn tới nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát. Trên mạng Twitter ngày 22/4, ông Trump bày tỏ ủng hộ các thống đốc của một số ít các bang miền Nam đang nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, từng khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và buộc người dân phải ở trong nhà. Ông viết: "Các bang đang trở lại an toàn. Đất nước chúng ta đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế".
Bang Georgia, một trong các bang quyết định cho phép các hoạt động kinh tế, đã "bật đèn xanh" cho các phòng tập, các hiệu làm tóc và làm đẹp, dịch vụ massage, khu chơi bowling... mở cửa trở lại từ ngày 24/4 tới, sau đó các rạp chiếu phim và nhà hàng sẽ được trở lại hoạt động vào tuần tới.
Tuy nhiên, trong khi các bang đang rục rịch nối lại các hoạt động kinh tế, giám đốc Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDCP) Robert Redfield cảnh báo nguy cơ dịch tái bùng phát và sẽ tồi tệ hơn khi đúng vào thời điểm bắt đầu mùa cúm.
Từ trung tuần tháng 3, Nhà Trắng đã đưa ra những hướng dẫn giãn cách xã hội, khuyến cáo người dân tránh tụ tập trên 10 người và đề nghị mọi người giữ khoảng cách với nhau ít nhất 2 mét. Trước đó trong tháng này, chính quyền Tổng thống Trump cũng khuyến nghị mọi người đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng. Thêm vào đó, các bang cũng công bố các chỉ thị ở nhà, quy định đóng cửa những cơ sở kinh doanh không thiết yếu và các trường học.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Harvard CAPS/Harris Poll cho thấy 80% người Mỹ được hỏi đánh giá rằng các biện pháp giãn cách xã hội đang đạt được hiệu quả tích cực trong phòng chống dịch.
Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết Tổng thống Trump đã cam kết giúp bang này nâng gấp đôi khả năng xét nghiệm, lên mức 40.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại bang New York cũng có nhiều dấu hiệu tích cực với số ca tử vong trong 3 ngày vừa qua đều dưới 500 ca và số người nhập viện cũng liên tục giảm trong 9 ngày qua. Số ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua là 474, ít hơn hôm trước 7 ca nhưng tổng số ca tử vong tính đến nay đã vượt ngưỡng 15.000, chính xác là 15.302 người.
Ngày 22/4, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cho biết hiện 26 tàu chiến của nước này đang có ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 14 tàu khác từng từng bị virus này hoành hành song các thủy thủ mắc bệnh đã phục hồi. Hiện 26 tàu chiến nói trên đang neo đậu tại các cảng hoặc xưởng bảo dưỡng.
Châu Á: Singapore và Ấn Độ là điểm nóng
Bộ Y tế Singapore ngày 22/4 cho biết tính nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên thành 10.141 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Singapore ghi nhận mỗi ngày trên 1.000 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn xuất phát từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài. Trong số các ca nhiễm mới ngày 22/4 có 15 ca nhiễm là công dân Singapore và người có thẻ thường trú dài hạn.
Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Singapore có chiều hướng giảm, xuống còn bình quân 28 ca/ngày trong tuần qua so với 39 ca/ngày trong tuần trước đó. Tuy nhiên, trong số đó, số ca nhiễm không rõ nguồn gốc lại tăng nhẹ, từ 19 ca/ngày trong tuần trước đó lên 22 ca/ngày trong tuần vừa qua.
Tình hình trên đã khiến Singapore quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4. Trong cuộc họp báo chiều 21/4, giới chức Singapore thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ở mức báo động và nước này cần áp dụng các biện pháp mạnh để có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài.
Singapore có tổng cộng 323.000 lao động nước ngoài sống tại 43 khu nhà, đến nay đã có trên 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Giới quan sát nhận định rằng với điều kiện sống chật chội, tỷ lệ nhiễm trong lao động nước ngoài có thể lên tới 5%, khoảng 15.000 người.
Các biện pháp mạnh được Singapore triển khai gồm cắt giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%. Một loạt dịch vụ cũng sẽ phải đóng cửa như các cửa hàng bán đồ uống đơn lẻ, các hiệu cắt tóc, giặt là... Toàn bộ số lao động nước ngoài tại 43 khu nhà ở và hơn 1.200 toà nhà nhỏ khác trên sẽ dừng làm việc và ở tại chỗ kể từ ngày 22/4, kể cả các lao động thuộc các công ty đã xin miễn trừ trước đây.
Từ ngày 22/4 Singapore áp dụng quy định người dân đi chợ ngày chẵn lẻ theo số cuối của căn cước công dân tại 4 khu chợ lớn bán đồ tươi sống ở nước này, đồng thời bắt buộc đo thân nhiệt và lấy thông tin cá nhân khách hàng tại tất cả các siêu thị, trung tâm mua sắm để theo dõi tình hình lây nhiễm.
Tại Ấn Độ, Bộ Y tế liên bang thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này vượt mốc 20.000 ca. Tới 6h sáng 23/4, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 21.370 ca mắc bệnh. Tổng số ca tử vong cũng đã tăng lên 681 người.
Trong 2 tuần tới, Ấn Độ sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 22/4 nhận định nếu nước này muốn dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 6/5 thì hiện là "thời điểm quan trọng nhất". Thủ tướng Abe cho rằng vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm 80% tỷ lệ tiếp xúc cá nhân, vốn là biện pháp được kêu gọi nhằm hạn chế việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản hối thúc người dân cố gắng hoàn thành mục tiêu này. Nhật Bản ghi nhận 11.512 ca mắc COVID-19.
Cùng ngày, tại Indonesia, Thủ hiến Jakarta, ông Anies Baswedan tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội thêm một tháng cho đến ngày 22/5 và kêu gọi người dân cầu nguyện tại nhà trong suốt tháng lễ Ramadan nhằm ngặn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Hiện thủ đô Jakarta vẫn chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn diện, song Thủ hiến Baswedan cho biết sẽ tăng cường yêu cầu thực thi các biện pháp hạn chế, trong đó có việc tránh tụ tập tại nơi công cộng.
Số ca mắc COVID-19 ở Trung Đông tiếp tục tăng
Thông báo của Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 22/4 cho biết nước này đã phát hiện thêm 1.141 trường hợp nhiễm virus. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở vương quốc này đã lên đến 12.772 người, trong đó có 114 người tử vong, tăng 5 ca sau 24h.
Bộ Y tế Qatar cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 7.141 người, sau khi phát hiện thêm 608 ca mắc mới. Đáng chú ý, phần lớn các ca mắc mới là lao động người nước ngoài và đã được đưa đi cách ly. Cũng theo bộ trên, Qatar đã chữa khỏi thêm cho 75 người, nâng tổng số người khỏi bệnh lên thành 689.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho hay dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, khi số liệu thống kê cho thấy trong ngày 22/4 chỉ có thêm 117 người tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 2.376 người. Số ca nhiễm mới trong cùng thời điểm được ghi nhận là 3.083 người, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay lên 98.674 trường hợp. Trong khi đó, số bệnh nhận bình phục và ra viện là 16.477 người, tổng số trường hợp đã được xét nghiệm là 37.535 người.
Cũng trong ngày 22/4, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ghi nhận thêm 483 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên tới 8.238. Theo nhà chức trách UAE, các ca nhiễm mới là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tất cả đều đang được điều trị và có điều kiện sức khỏe ổn định. Là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và có số ca mắc khá cao nhưng đến nay UAE mới có 52 bệnh nhận tử vong do COVID-19.
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này xác nhận phát hiện thêm 29 ca nhiễm mới, kéo dài danh sách số người mắc COVID-19 lên thành 1.631 người, trong đó đã có 83 bệnh nhân tử vong.
Châu Phi: Nam Phi phạt quan chức vi phạm quy định phòng chống dịch
Ngày 22/4, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele thông báo tổng cộng 131 người đã bị bắt giữ do không tuân thủ các quy định phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này.
Theo Bộ trưởng Cele, trong số những người bị bắt ngoài các quan chức chính phủ, giới chức y tế, nhân viên trại giam còn có 89 cảnh sát là thành viên của Cơ quan Cảnh sát Nam Phi. Nhiều người trong số này phạm tội bán rượu bị tịch thu trước đó.
Cùng ngày, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Kỹ thuật số Nam Phi, Stella Ndabeni-Abrahams cũng đã bị xử phạt do ăn trưa tại nhà một người bạn trong thời gian nước này đang áp đặt lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nosiviwe Mapisa-Nqakula đã xác nhận thông tin Tổng thống Cyril Ramaphosa có kế hoạch triển khai hơn 73.180 binh sĩ thuộc Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) hỗ trợ giám sát việc thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc. Ước tính sẽ cần khoảng 2,4 triệu USD để triển khai kế hoạch này.
Nam Phi đang trong thời gian 4 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các lực lượng an ninh đã nỗ lực để hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà, đặc biệt ở những khu vực ngoại ô đông người. Tháng 3 vừa qua, 2.820 binh lính đã được huy động khi Chính phủ Nam Phi ban bố lệnh phong tỏa.
Tính đến 6h sáng 23/4 theo giờ Việt Nam, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 3.635 ca mắc COVID-19 và là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao thứ hai tại châu Phi chỉ sau Ai Cập. Trong khi đó, tổng số ca tử vong của nước này hiện vẫn ở mức tương đối thấp với 65 ca.