Đại dịch COVID-19 – cú sốc với phong trào phản đối vắc-xin

Chưa bao giờ thế giới lại mong chờ một loại vắc-xin như trong đại dịch COVID-19 này, kể cả những người theo phong trào phản đối tiêm vắc-xin.

Thay đổi quan điểm

Chú thích ảnh
Một người biểu tình ở Indianapolis, Mỹ đeo khuyên tai có biểu tượng phản đối vắc-xin. Ảnh: Shutterstock

Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà khoa học đang chạy đua để sản xuất vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Lãnh đạo các nước cảnh báo có thể sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp hạn chế cho tới khi có vắc-xin.

Đây là một thách thức với phong trào phản đối vắc-xin, trong đó nhiều thành viên phản đối mạnh mẽ việc bắt buộc tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm được điều tưởng như không tưởng: thay đổi quan điểm của một số thành viên phản đối vắc-xin kịch liệt nhất.

Haley Searcy 26 tuổi, sống ở Florida (Mỹ) cho biết cô hoàn toàn phản đối tiêm vắc-xin cho con gái khi bé chào đời năm 2019. Cô nói: “Tôi thấy nhiều trường hợp trẻ tử vong vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và phản ứng nguy hiểm do vắc-xin. Tôi sợ vắc-xin y như sợ bệnh”. Searcy cho biết phong trào phản đối vắc-xin không được khoa học ủng hộ nhưng là nỗi sợ của những người không tin vắc-xin.

Dù sau khi đành chấp nhận cho con gái tiêm vắc-xin theo lời khuyên của bác sĩ nhi nhưng Searcy vẫn cho rằng vắc-xin không cần thiết và nguy hiểm. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi quan điểm của Searcy.

Searcy nói: “Từ khi có dịch COVID-19, tôi thấy ngay là những loại bệnh kiểu này có thể gây ra điều gì khi không có vắc-xin phòng ngừa”.

Mẹ Searcy mắc bệnh phổi nên cô biết nếu bà mắc COVID-19, bà sẽ gặp nguy hiểm thế nào. Cô đã tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt để phản bác thông tin giả với hy vọng thuyết phục nhiều người ở nhà và tuân thủ giãn cách xã hội. Trong quá trình tìm hiểu xem thế giới đã đối phó với các đại dịch trước đây thế nào, Searcy biết các bệnh như cúm lợn gần đây đều được dập bằng vắc-xin. Cô nói: “Tôi biết vắc-xin được thử nghiệm nghiêm ngặt thế nào trước khi tới tay người dân”.

Khi tìm kiếm thông tin về các nước đã giảm thiểu được sự lây lan của COVID-19, Searcy biết cô càng nhận ra vắc-xin có tầm quan trọng ra sao và bác bỏ luận điệu phản đối vắc-xin dễ thế nào.

Theo khảo sát của Dự án Niềm tin Vắc-xin (VCP), ở một số nước như Anh và Pháp, lo ngại về vắc-xin của một số người trong phong trào phản đối vắc-xin đã giảm dần trong những năm gần đây. 

Theo Giám đốc VCP Heidi Larson, các con số cho thấy khi số ca tử vong vì COVID-19 tăng, nhận thức của người dân về tính chất nghiêm trọng của bệnh càng tăng và khi đó mọi người dễ chấp nhận vắc-xin hơn. Bà nói: “Tôi cho rằng chắc chắc COVID-19 đang khiến người ta nghĩ lại rất nhiều thứ”.

Theo bà Larson, một số người đã thay đổi hẳn quan điểm và đây là thời gian quan trọng để nghĩ về giá trị của vắc-xin: “Nếu chúng ta có vắc-xin cho bệnh này, chúng ta đã không phải nhốt mình trong phòng, nền kinh tế đã không suy giảm, chúng ta sẽ có một thế giới hoàn toàn khác. Câu hỏi là chúng ta có phải chờ tới khi có chuyện xấu như vậy xảy ra thì mới thay quan điểm không”.

Phản đối vắc-xin: Xu hướng nguy hiểm

Chú thích ảnh
Một người theo phong trào phản đối vắc-xin. Ảnh: Reuters

Ngày nay, phần lớn trẻ em đều được tiêm vắc-xin giúp các em chống lại những căn bệnh chết người, nhưng các cơ quan y tế nhận thấy xu hướng giảm đáng lo ngại trong những năm gần đây.

Ở Anh, chỉ 33 trong tổng số 140 chính quyền địa phương đạt mục tiêu tiêm chủng 95% đối với các bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắc-xin trong giai đoạn 2018-2019. 

Năm 2019, Mỹ ghi nhận số ca mắc sởi cao nhất từ năm 1992, phần lớn là những người chưa từng tiêm vắc-xin phòng sởi. Cũng năm đó, Anh không còn giữ được vị trí là nước đã thanh toán được bệnh sởi.

Khi số ca mắc COVID-19 tăng cao, báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trên 117 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ lỡ thời điểm tiêm vắc-xin phòng sởi quan trọng. UNICEF kêu gọi các nước tiếp tục tiêm chủng, nhưng nhấn mạnh có thể trì hoãn nếu rủi ro ở mức cao không chấp nhận được.

Những người phản đối vắc-xin công khai giờ bị chỉ trích kịch liệt. Ngày 19/4, vận động viên tennis Novak Djokovic đã gây chú ý khi nói về quan điểm với vắc-xin phòng COVID-19: “Cá nhân tôi phản đối tiêm vắc-xin và tôi sẽ không muốn bị ai đó ép tiêm vắc-xin để có thể đi lại. Nhưng nếu điều này là bắt buộc, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ phải quyết định. Tôi có suy nghĩ riêng về vấn đề và không rõ những suy nghĩ này có thay đổi lúc nào đó không. Tôi không biết”.

Một số người trong các nhóm phản đối vắc-xin sợ các chính phủ sẽ coi phong tỏa là cơ hội để thúc đẩy các dự luật bắt buộc tiêm vắc-xin.

Bà Lynette Marie Barron, người điều hành tổ chức Tough Love, đã từng thực hiện hai chiến dịch thành công để phản đối dự luật về vắc-xin ở bang Alabama. Barron có hai người con, một người mắc bệnh tự dị ứng mà bà cho là do tiêm vắc-xin, một người mắc bệnh tự kỷ mà bà cho là do mình tiêm vắc-xin phòng uống ván lúc mang thai.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, Viện Y khoa, Tổ chức Y tế Thế giới và vô số tổ chức độc lập đã bác bỏ những nỗi sợ hãi vô căn cứ như trên nhiều lần.

Đại dịch COVID-19 đang làm những người trong nhóm Tough Love chia rẽ. Một số người sợ SARS-CoV-2 tới mức sẽ tiêm vắc-xin nếu có, số khác thì nhất quyết không cho dù có cho cả triệu đô la.

Ông Paul Offit, một bác sĩ nhi Mỹ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm, thường xuyên tham gia cùng nhóm Tough Love để nỗ lực giải thích về tính khoa học của tiêm vắc-xin. Ông cho biết ông hiểu mối lo ngại nếu thế giới phát triển vắc-xin vội vã chống COVID-19 nhưng nói thêm: “Chúng tôi luôn quan tâm tới an toàn vắc-xin, từ công ty dược cho tới chính phủ và cộng đồng y khoa”.

Theo ông Offit, những người phản đối vắc-xin là những người theo thuyết âm mưu, không tin ai cả, nhưng nếu COVID-19 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng thì chỉ có một cách để xây dựng miễn dịch cộng đồng là tiêm chủng.

Ông đặt câu hỏi: “Với tư cách công dân Mỹ hay công dân nước nào khác, bạn có quyền cho phép bản thân và con cái nhiễm bệnh chết người và truyền nhiễm hay không? Tôi cho rằng câu trả lời là không”. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống COVID-19
Tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống COVID-19

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh COVID-19 và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN