Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 28.978.292 ca nhiễm và 518.577 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn, các nhà khoa học phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tương tự biến thể dễ lây lan xuất hiện tại Nam Phi đang gia tăng tại thành phố New York. Hiện có khoảng 12% số bệnh nhân tại thành phố này nhiễm biến thể trên.
Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil. Số ca nhiễm mới tại Ấn Độ có xu hướng tăng trở lại. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 25/2 cho biết nước này ghi nhận 16.738 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 11.046.914 ca nhiễm, trong đó 156.742 ca tử vong. Brazil ghi nhận thêm 1.428 tử vong vì COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao thứ 4 được ghi nhận kể từ khi dịch bùng phát và cũng là ngày thứ 35 liên tiếp Brazil ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong/ngày. Hiện nước này có tổng cộng 10.326.008 ca nhiễm, trong đó 250.079ca tử vong.
Tại châu Á, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện 65 ca nhiễm mới, trong đó có 58 ca lây nhiễm từ "sự kiện cộng đồng ngày 20/2 và 7 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh. Tính đến sáng 25/2, Campuchia đã phát hiện 697 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 477 bệnh nhân đã được chữa khỏi và 217 ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Hiện nhà chức trách Campuchia đang lo ngại về nguy cơ có thêm đợt bùng phát mới dịch COVID-19 trong cộng đồng sau trường hợp 1 nữ cảnh sát nước này đi dự tiệc cưới hồi tuần trước tại tỉnh Prey Veng (giáp biên giới với Tây Ninh, Việt Nam) có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các nước Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trong ngày 25/2, Indonesia cho biết nước này đã có thêm 8.493 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, tổng cộng nước này có 1.314.634 người mắc bệnh ở nước này, trong đó có 35.518 trường hợp không qua khỏi. Hiện Indonesia là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 181,5 triệu người dân trong khoảng 1 năm, sử dụng vaccine của các hãng Sinovac, Novavax và AstraZeneca.
Philippines thông báo ghi nhận thêm 2.269 ca mắc COVID-19 và 72 người tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 568.000 và 12.201. Một quan chức cấp cao Philippines thông báo nước này sẽ nhận những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, cho phép khởi động chiến động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.
Thái Lan có thêm 72 ca nhiễm, trong đó có tới 63 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, có 30 ca ở tỉnh Samut Sakhon và 7 ca ở thủ đô Bangkok. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 25.764 ca mắc COVID-19, trong đó có 83 người không qua khỏi. Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 1.924 ca nhiễm mới, trong đó 1.918 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 293.698 ca. Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận 12 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.100 người.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 7 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập cảnh và không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, 96 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Như vậy, tính đến hết ngày 24/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 89.871 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.954 bệnh nhân bình phục và xuất viện.
Hàn Quốc ngày 25/2 ghi nhận số ca mắc mới giảm nhẹ xuống mức dưới 400 ca. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 396 ca mắc mới, trong đó có 369 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hàn Quốc tăng lên 88.516 ca. Cũng theo KDCA, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc tăng thêm 5 ca lên 1.581 ca.
Tại khu vực châu Âu, nhà chức trách Pháp cho biết sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm phòng, chống dịch bệnh ở khu vực xung quanh biên giới chung với Đức trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang nỗ lực khống chế sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở vùng Moselle, giáp giới với Đức.
Theo đó, những lao động làm việc xuyên biên giới sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu đi lại qua biên giới không vì mục đích công việc. Pháp ngày 24/2 đã ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ trung tuần tháng 11/2020, với 31.519 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3,66 triệu ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Pháp tăng thêm 277 ca lên 85.321 ca.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ tiến hành phong tỏa trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 8/3 tới, cũng như đang chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Phần Lan là nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở châu Âu, sau Iceland và Na Uy. Tuy nhiên, gần đây, quốc gia gồm 5,5 triệu dân này đã chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày tăng nhanh. Riêng ngày 24/2, Phần Lan ghi nhận 590 ca nhiễm mới.
Hungary đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa một phần đến ngày 15/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh COVID-19 có nguy cơ gia tăng trong 2 tuần tới.
Trong khi đó, Croatia thông báo các quán bar và nhà hàng có thể mở cửa trở lại khu vực ngoài trời từ tuần tới, sau hơn 3 tháng phải đóng cửa. Cách đây 3 tháng, quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Âu đã ghi nhận khoảng 4.500 ca nhiễm mới mỗi ngày, song hiện con số này đã giảm xuống chỉ còn vài trăm ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 544 ca mắc mới.
Nhiều nước châu Âu khác như Bỉ, Ukraine, Bồ Đào Nha và Bắc Macedonia cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới, Bulgaria có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3, trong khi Thụy Điển và Séc cân nhắc siết chặt các biện pháp chống dịch.
Tại châu Phi và Trung Đông, Nam Phi ghi nhận khoảng 4.000 trường hợp tái nhiễm. Jordan thông báo siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm giảm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, tái áp đặt lệnh giới nghiêm vào các ngày thứ Sáu hằng tuần sau khi số ca nhiễm biến thể virus có nguồn gốc từ Anh tăng mạnh tại nước này. Ngoài việc kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 giờ, từ ngày 26/2, nước này sẽ thực hiện giới nghiêm 24/24 vào các ngày thứ Sáu.
Trước bối cảnh một số người từng mắc bệnh COVID-19 đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại vài tháng sau đó, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi nhà chức trách các quốc gia ưu tiên tìm hiểu những hậu quả lâu dài của bệnh nhân COVID-19.