Nếu đạt được mục tiêu này, sẽ có 70 triệu người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 7 tới, giúp Indonesia đạt được miễn dịch cộng đồng trong tương lai gần.
Hiện nay, một số nhóm đối tượng đã được tiêm phòng COVID-19 như lực lượng quân đội nên miễn dịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành. Indonesia có 13/34 tỉnh chiếm 83% số người mắc COVID-19. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tính đến hiệu quả của việc tiêm chủng, trong đó tăng cường tập trung vào các tỉnh đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.
Cũng theo Bộ trưởng Luhut, Chính phủ Indonesia đang nhắm đến một số tỉnh, lĩnh vực đặc biệt được coi là có đóng góp cho nền kinh tế, cũng như tạo ra một khu vực xanh trong các địa điểm đã tiến hành tiêm chủng như thành phố Bali để hút khách du lịch. Tính đến ngày 24/2, Indonesia đã tiêm phòng cho 825.650 người.
Theo thông báo của Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 25/2, nước này ghi nhận thêm 8.493 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.314.634 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 264 người lên 35.518 người.
* Tại châu Âu, giới chức Hungary thông báo nước này dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc vào tháng 3 và tháng 4, và thêm 3,5 triệu liều vào tháng 5 tới.
Hungary đã bắt đầu tiêm phòng cho người dân bằng vaccine của Sinopharm sau khi nhận được lô hàng đầu tiên gồm 550.000 liều vào tuần trước, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp trong ngày 25/2 để đẩy nhanh công tác sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới có thể dẫn đến làn sóng dịch bệnh thứ ba trên khắp châu lục. Các quan chức EU sẽ cân nhắc cách thức để duy trì cân bằng giữa các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch với việc mở cửa biên giới để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tại thị trường chung này. Mặc dù tỷ lệ ca nhiễm đang có xu hướng giảm đi tại khoảng 20 nước thành viên, song vẫn có nhiều quan ngại về làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh biến thể phát hiện tại Anh đang lây lan và có nguy cơ thành chủng chính tại khu vực.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge xác nhận tổ chức này đang làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) để phối hợp trong việc viện trợ vaccine đến các nước khác trong khu vực. Áo sẽ là quốc gia chịu trách nhiệm điều phối số hàng viện trợ này.