Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với 33.802.900 ca mắc, trong đó có 601.960 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.772.440 ca mắc, trong đó có 287.122 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm 276.110 ca mắc và 3.874 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận dưới 300.000 ca mắc/ngày và là ngày đầu tiên trong vài ngày qua số ca tử vong giảm xuống dưới mức 4.000 ca/ngày. Trong bối cảnh số ca mắc tại Ấn Độ vẫn ở mức cao, Chính phủ nước này dự kiến sẽ ra khuyến nghị mọi người đeo hai khẩu trang cùng lúc.
Tại châu Á, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 14 ca mắc mới ở nước này trong 24 giờ qua, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày được ghi nhận thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua, cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Lào tiếp tục có chiều hướng tốt hơn. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.751 ca nhiễm, trong đó gần 1.700 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Chính phủ Lào thông báo gia hạn áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 4/6 tới. Đây là lần thứ 2 Lào gia hạn phong toả nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại nước này.
Campuchia xác nhận 415 ca nhiễm mới tại nước này, trong đó có 4 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 23.697 ca. Hiện 15.700 người đã bình phục. Campuchia cũng ghi nhận tổng cộng có 164 ca tử vong. Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã quyết định gia hạn giới nghiêm trong thành phố thêm 1 tuần, từ ngày 20-27/5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch.
Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 6.806 ca mắc, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca mắc trong một ngày ở mức cao chưa từng thấy. Trước đó, ngày 19/5, Malaysia thông báo 6.075 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Trong 24 giờ qua, Sri Lanka đã ghi nhận 3.591 ca mắc mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Bộ Y tế Sri Lanka cho biết hầu hết những ca mắc mới xuất phát từ một ổ dịch mới ghi nhận sau lễ hội đón Năm mới Tamil vào tháng 4 vừa qua. Tổng số ca mắc tại Sri Lanka là 150.771 ca, trong đó có 1.051 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 646 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 134.117 ca. Con số này thấp hơn so với mức 654 ca của ngày trước đó, nhưng vẫn trên ngưỡng 600 ca/ngày. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.916 ca.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo đã ghi nhận 1.339 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ hai theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở đảo quốc này hồi tháng 3 năm ngoái. Con số trên nâng tổng số ca mắc tại Cuba lên 128.094 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 834 ca.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Colombia thông báo chính phủ nước này đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới trên bộ, đường sông và đường biển với các nước láng giềng Brazil, Ecuador, Peru và Panama. Các cửa khẩu này đã tạm ngừng hoạt động từ năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Tại châu Âu, chính phủ một số nước đã cho phép nối lại hoạt động kinh tế sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ Áo nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo đó mở cửa trở lại các nhà hàng và quán bar sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng này chỉ áp dụng đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hay đã phục hồi sau khi mắc căn bệnh này.
Khoảng 50.000 chuyên gia du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã hội tụ tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha trong trong hội chợ kéo dài 5 ngày. Đây là hội chợ du lịch đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp giữa đại dịch COVID-19 ở châu Âu.
Còn người dân Pháp đã vỡ òa niềm vui sướng khi họ lại có thể ăn uống ngoài trời tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, cũng như thực hiện các chuyến thăm bảo tàng, đến các rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị "trói chân". Theo kế hoạch, sau giai đoạn 2 nới lỏng phòng dịch này, Pháp sẽ mở cửa nền kinh tế hoàn toàn vào ngày 30/6 tới.
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo những thành tựu bước đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại khu vực hiện vẫn mong manh, đồng thời lưu ý người dân nên tránh đi du lịch nước ngoài. Quan chức WHO lưu ý nhiều ổ dịch nhỏ hiện nay ở châu Âu hoàn toàn có thể lây lan nhanh chóng.
Bên cạnh đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn, hiện xuất hiện tại ít nhất 26/53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu theo cách phân chia khu vực của WHO. Mặc dù vậy, ông khẳng định các loại vaccine hiện hành có hiệu quả chống lại biến thể mới này.