Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội để giúp hồi sinh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, do số ca lây nhiễm tập thể liên quan tới các trường học và bệnh viện vẫn tiếp tục tăng, nên chính phủ quyết định gia hạn các biện pháp này.
Kể từ ngày 8/12/2020, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong thang bậc 5 cấp, ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc. Hàn Quốc cũng sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho 60.000 người sớm nhất vào giữa tháng 2 tới và vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) cho 2,19 triệu người trong nửa đầu năm nay.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 355 ca nhiễm mới ngày 31/1, trong đó có 325 ca lây nhiễm trong nước.
Tại Trung Quốc, Cục trưởng Y tế và Thực phẩm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Trần Triệu Thủy (Sophia Chan) cho biết kể từ khi làn sóng thứ tư dịch COVID-19 bùng phát, người dân tại hơn 100 tòa chung cư ở Hong Kong đều phải thực hiện xét nghiệm bắt buộc.
Riêng trong tuần qua, Hong Kong đã phong tỏa 3 chung cư ở Jordan, Yau Ma Tei và North Point, trong đó có hơn 8.000 người dân đã phải xét nghiệm bắt buộc. Xét nghiệm cho thấy 13 người ở chung cư Jordan và 1 người ở chung cư Yau Ma Tei dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 10.322 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 177 người không qua khỏi.
Tại Đông Nam Á, Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, lẽ ra hết hiệu lực vào ngày 31/1, như kéo dài việc đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến cuối tháng 2 tới. Dữ liệu chính thức được công bố ngày 30/1 cho thấy Myanmar đã ghi nhận thêm 349 ca mắc mới và 10 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 139.864 người, trong đó có 3.125 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 5.298 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 214.959 người và 760 ca tử vong. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, trong số các ca nhiễm mới có 5.295 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo phát hiện thêm 2.103 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 525.618 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 80 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 10.749 ca. Cơ quan chuyên trách về đại dịch COVID-19 của Philippines cho biết ít nhất 5,6 triệu liều vaccine COVID-19 của 2 hãng dược quốc tế sẽ tới nước này trong quý I/2021.
Nước này dự kiến bắt đầu tiêm chủng trong tháng 2/2021 và đặt mục tiêu đảm bảo được 148 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 70 triệu dân trong năm 2021, tương đương 2/3 dân số.
Tại Australia, Thủ hiến bang Western Australia Mark McGowan thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Perth - thủ phủ của bang, trong vòng 5 ngày sau khi lực lượng chức năng phát hiện ca đầu tiên lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng sau gần 10 tháng.
Theo quyết định trên, người dân tại thành phố Perth và khu vực phía Tây Nam không được ra khỏi nhà, trừ đi làm, mua sắm đồ dùng cần thiết, khám chữa bệnh hay chăm sóc người già yếu và tập thể dục gần nhà. Các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa hoặc chỉ phục vụ khách mang đi. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), số ca mắc COVID-19 ở lục địa này đến sáng 31/1 đã lên tới 3.551.956 người, trong đó có 90.454 ca tử vong. 3.033.621 bệnh nhân đã phục hồi.
Trong đó, khu vực miền Nam châu Phi là vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về số ca nhiễm, tiếp đó là khu vực Bắc Phi. Ít nhất 40 nước ở châu Phi đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ hai này tính đến ngày 27/1, trong đó có các nước ở khu vực miền Nam châu Phi...
Bộ Y tế Israel thông báo số người được tiêm accine phòng COVID-19 tại quốc gia này hiện đã vượt mức 3 triệu người. Như vậy, kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu ngày 20/12/2020, tới nay Israel đã tiêm chủng cho 32,2% trong tổng dân số 9,4 triệu người.