Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ còn hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Dù trong ngày, khu vực có tới 7 nước ghi nhận các ca mắc mới, song nhìn chung số lượng các ca nhiễm đều giảm so với những ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.506 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 34.690 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia dẫn đầu khu vực về cả số ca mắc và ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.418 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 26/5
Quốc gia |
Tổng số ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Singapore |
32.343 |
+383 |
23 |
|
15.738 |
Indonesia |
23.165 |
+415 |
1.418 |
+27 |
5.877 |
Philippines |
14.669 |
+350 |
886 |
+13 |
3.412 |
Malaysia |
7.604 |
+187 |
115 |
|
6.041 |
Thái Lan |
3.045 |
+3 |
57 |
|
2.929 |
Việt Nam |
327 |
+1 |
|
|
272 |
Myanmar |
206 |
+3 |
6 |
|
124 |
Brunei |
141 |
|
1 |
|
137 |
Cambodia |
124 |
|
|
|
122 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
14 |
Indonesia tiếp tục là điểm dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tính tới hết ngày 26/5, quốc gia vạn đảo đã ghi nhận tổng cộng 1.418 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, tăng 27 trường hợp so với 1 ngày trước. Tới nay, Indonesia cũng có số ca mắc bệnh lên tới 23.165, đứng thứ hai khu vực sau Singapore.
Bộ trưởng Bộ Cải cách Hành chính (PAN-RB) của Indonesia, ông Dwi Wahyu Atmaji, cho biết chính phủ nước này có thể sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội và chuẩn bị thực hiện kế hoạch hành động tiếp theo trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch COVID-19, theo đó sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” để ứng phó.
Ông Atmaji nhấn mạnh có 3 điểm cần chú ý trong kịch bản “bình thường mới”. Thứ nhất, sắp xếp công việc linh hoạt hơn để ASN có thể làm việc tại văn phòng, nhà riêng hay bất kỳ địa điểm thích hợp nào khác. Thứ hai, thực hiện các quy định y tế, chẳng hạn giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm virus trong khi làm việc. Liên quan việc này, Chính phủ Indonesia sẽ ban hành các văn bản quy định kèm theo về sử dụng cơ sở vật chất, không gian làm việc và điều kiện làm việc. Thứ ba, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sự quản lý của chính phủ, theo đó mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin phải thông qua văn phòng điện tử, chữ ký số và các cuộc họp trực tuyến do chính phủ kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Cải cách Hành chính Indonesia cho biết thêm thời gian bắt đầu áp dụng kịch bản phụ thuộc vào quyết định thành lập "Lực lượng đặc nhiệm" phòng chống COVID-19 của quốc gia.
Ngày 26/5, Chính phủ Campuchia quyết định nới lỏng biện pháp cấm hoạt động thể thao sau khi tình hình dịch COVID-19 tại nước này diễn biến tích cực.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron cho biết các hoạt động thể thao từ nay sẽ được nối lại, nhưng thi đấu không khán giả. Ngoài ra, các quan chức và vận động viên cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo về y tế như không quá 100 người mỗi trận thi đấu, không ôm hoặc bắt tay nhau sau mỗi lần ghi điểm. Các trung tâm thể thao cùng với trang thiết bị phải được khử trùng trước các buổi tập luyện hoặc giải thi đấu.
Từ giữa tháng 3 vừa qua, Campuchia đã ban hành lệnh cấm các hoạt động thể thao khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Hiện tình hình dịch bệnh tại đây đã cải thiện khi chỉ còn 2 trong tổng số 124 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Hết ngày 26/5, Campuchia ghi nhận tổng cộng 124 ca mắc COVID-19 và đã có 122 người khỏi bệnh.
Tại Philippines, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 13 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 886 ca. Philippines cũng đứng thứ ba khu vực về tổng số ca virus SARS-CoV-2 với 14.669 trường hợp.
Cảnh sát thủ đô Manila cùng ngày đã tiến hành diễn tập thực thi biện pháp giãn cách xã hội trên phương tiện giao thông công cộng và phòng chống dịch bệnh. Tham gia diễn tập ngoài cảnh sát còn có hơn 500 học viên cảnh sát tại Manila đóng vai các hành khách đi tàu điện.
Mục đích của diễn tập là nhằm kiểm soát hàng trăm nghìn hành khách khi giao thông công cộng tại thành phố đông dân này nối lại hoạt động sau gần 11 tuần tạm dừng để phòng dịch.
Người phát ngôn hệ thống tàu điện LRT Hernando Cabrera cho biết mỗi tàu sẽ chỉ được phép chở 10% lượng hành khách tối đa, tức là khoảng 160 khách, để đảm bảo giãn cách xã hội. Do đó, nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý dòng người tại các nhà ga khi các phương tiện công cộng hoạt động trở lại.
Từ ngày 16/3 vừa qua, thủ đô Manila thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Chính quyền thành phố quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế vào ngày 16/5 và dự kiến nhóm họp ngày 27/5 để quyết định xem có tiếp tục nới lỏng các biện pháp này hay không.
Tại Myanmar, Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số nước này cùng ngày 26/5 thông báo quyết định trợ cấp an sinh xã hội cho 26.305 công nhân của các nhà máy và xưởng sản xuất bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch.
Theo đó, các công nhân đã đăng ký trợ cấp an sinh xã hội theo Chương trình phúc lợi xã hội sẽ nhận được 40% lương tương ứng với số ngày thất nghiệp theo Luật an sinh xã hội.
Từ ngày 20/4 – 15/5 vừa qua, tất cả các nhà máy trong nước phải đóng cửa để nhà chức trách Myanmar tiến hành kiểm dịch. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nhiều nhà máy buộc tạm dừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của bộ trên cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có hơn 9.300 việc làm mới cho người dân địa phương tại các bang và khu vực trong tháng 4, giảm mạnh so với hơn 24.000 việc làm trong tháng 3.
Nội các Thái Lan ngày 26/5 đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Trước đó, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cũng đã nhất trí với đề xuất của NSC với lý do là để ứng phó với những tiến triển của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và cho phép chuẩn bị giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo từ đầu tháng tới.
Theo kế hoạch, Ủy ban do Tổng thư ký NSC Somsak Rungsita chủ trì dự kiến họp ngày 27/5 để thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa cũng như xem xét khả năng giảm thời gian giới nghiêm thêm 1 tiếng, từ nửa đêm tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 23h như hiện nay.
Kết quả của cuộc họp ngày 27/5 sẽ được trình lên CCSA vào ngày 29/5 và những hướng dẫn dành cho kinh doanh và hoạt động trong giai đoạn 3 sẽ được công bố vào ngày 30/5. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan đến nay đã có những diễn biến tích cực.
Trong ngày 26/5, Thái Lan xác nhận thêm 3 ca COVID-19, nhưng đều là những công dân trở về từ nước ngoài và đã được cách ly khi về nước. Như vậy, "xứ sở chùa Phật ngọc" cho tới nay đã ghi nhận tổng cộng 3.045 ca COVID-19, trong đó 2.929 bệnh nhân đã bình phục, 59 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện và 57 người tử vong.
The Star ngày 26/5 đưa tin, Chính phủ Malaysia sẽ trục xuất khỏi nước này những người nhập cư bất hơp pháp không bị mắc bệnh COVID-19. Phát biểu với báo giới ngày 26/5, Bộ trưởng cấp cao Ismail Sabri Yaakob cho hay, trước mắt Malaysia sẽ tiến hành kiểm tra COVID-19 cho tất cả những người nhập cư bất hợp pháp. Sau đó, những ai có kết quả âm tính sẽ được đưa trở về quê hương của họ.
Quyết định nêu trên được đưa ra trong buổi họp cùng ngày của các bộ ngành liên quan, bao gồm cả Bộ Nội vụ. Phía Malaysia sẽ liên hệ với đại sứ quán các nước đóng tại Malaysia để phối hợp đưa công dân của mình về nước. Cuộc họp cũng thống nhất sẽ bố trí 3 địa điểm có tổng sức chứa 1.400 người làm nơi tiếp nhận và điều trị cho những người nhập cư dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã có 227 ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận sau khi cơ quan này tiến hành xét nghiệm cho hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp nước ngoài đang bị giam giữ tại 3 trại tạm giam ở bang Selangor và thủ đô Kuala Lumpur.
Tại Singapore, ngày 26/5 có thêm 383 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, nâng tổng số lên 32.343 ca. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử tới nay mới có 23 người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19
Tính đến ngày 26/5, Lào đã xét nghiệm tổng cộng trên 4.800 ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 người đã khỏi bệnh. Giới chức Lào khẳng định 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 5 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.
Trong ngày 26/5, các nước ASEAN khác như Brunei hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.