Ngày 13/5, bệnh nhân từ Liên bang Nga về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0062, sau khi nhập cảnh được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình. Cùng ngày, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 25/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình lấy mẫu xét nghiệm lần 4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 26/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Như vậy, trên chuyến bay VN0062 ngày 13/5 có 33 trường hợp mắc COVID-19, tất cả đều được cách ly ngay sau nhập cảnh, không có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng, trong đó có 31 hành khách (28 người cách ly tại Thái Bình, 2 người cách ly tại Hải Dương, 1 tại Quảng Ninh) và 2 tiếp viên cách ly tại TP Hồ Chí Minh.
Tính đến chiều 26/5, Việt Nam đã ghi nhận 327 ca mắc COVID-19, trong đó có 187 ca có yếu tố dịch tễ ở nước ngoài đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 26/5, Việt Nam đã có 40 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam đã điều trị khỏi cho 272 bệnh nhân, chiếm 84% tổng số bệnh nhân mắc COVID-19. 55 bệnh nhân COVID-19 còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến chiều 26/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.
Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.739 người. Trong đó, 55 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 12.379 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 2.306 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hoàn thành giai đoạn 1 chi trả tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Ngày 26/5, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, đến nay tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 chi trả tiền hỗ trợ cho 118.580 người thuộc 4 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí trên 104,7 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, số đối tượng đăng ký nhận hỗ trợ giảm 993 người, với tổng số tiền chi trả trên 902 triệu đồng so với đề xuất ban đầu. Nguyên nhân do sau khi rà soát, xác minh, ngành chức năng phát hiện các đối tượng trên không thuộc trường hợp các nhóm được nhận hỗ trợ như: Đã chết, chuyển hộ khẩu, thời điểm khai báo không có giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo... Ngoài ra, tỉnh có 3 trường hợp gồm 1 người có công với cách mạng và 2 đối tượng bảo trợ xã hội tự nguyện không nhận suất hỗ trợ mà nhường cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Các nhóm đối tượng gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm đang được các địa phương, cơ quan chức năng tổng hợp, thống kê, lập danh sách, trình cấp có thẩm quyền thẩm định để UBND tỉnh phê duyệt.
Dự kiến đến cuối tháng 5/2020, tỉnh Ninh Thuận thực hiện chi trả cho các nhóm đối tượng người lao động và sử dụng lao động trên theo quy định. Phương thức chi hỗ trợ được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, bưu điện, hoặc nhận trực tiếp tại UBND xã, phường nơi người thuộc diện được nhận gói hỗ trợ đăng ký.
Vĩnh Long đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngày 26/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, đến ngày 25/5, tỉnh đã chi hỗ trợ cho trên 100.000 người, với số tiền trên 108 tỷ đồng cho 3 nhóm đối tượng là: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo và cận nghèo. Dự kiến trong ngày 26/5, tỉnh hoàn tất việc hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng này.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt danh sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với 32 đối tượng, tổng số tiền hơn 31 triệu đồng; danh sách hộ kinh doanh bị tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 là 418 hộ, tổng số tiền hỗ trợ là 418 triệu đồng.
Các địa phương sẽ hoàn thành việc chi hỗ trợ cho hai nhóm đối tượng này trước ngày 28/5. Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục trình danh sách để chi hỗ trợ cho đối tượng là người lao động tự do với trên 11.000 người, khi có quyết định sẽ tiến hành chi hỗ trợ người dân. Ngoài ra, các địa phương đang tập trung rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng còn lại để thực hiện việc chi hỗ trợ theo quy định.
Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người dân. Theo đó, trong ngày 26/5, tỉnh trao hỗ trợ gần 400 phần quà cho hộ nghèo bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trong đợt này, tỉnh vận động hỗ trợ 1.000 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tìm việc mới cho 2.200 công nhân bị thất nghiệp vì dịch COVID-19
Ngày 26/5, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tìm việc làm mới cho 2.200 công nhân Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) phải nghỉ việc do doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch COVID-19.
Đại diện Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cho biết, theo nội dung văn bản Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong (Công ty Huê Phong) gửi Sở LĐTBXH Thành phố, công ty có 4.700 lao động; do gặp khó khăn vì đơn hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và cho 2.200 lao động (gần 1/2 tổng số lao động) nghỉ việc từ ngày 1/6.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Huê Phong cho biết, nếu tình hình đơn hàng tiếp tục khó khăn, công ty sẽ phải cắt giảm thêm 500 công nhân nữa.
Cũng theo đại diện Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, ngay sau khi biết tin, đơn vị đã phối hợp với Sở LĐTBXH thành phố, Công đoàn Công ty Huê Phong để làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, giup việc làm cho số công nhân bị nghỉ việc này.
Cụ thể, đã có 8 công ty trên địa bàn quận Gò Vấp, đa số là các công ty may mặc, sẽ nhận lao động từ Công ty Huê Phong, gồm: Công ty Gilimex (cần tuyển 2.000 người), Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, Công ty cổ phần May Phương Đông, Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, Công ty cổ phần 28 Hưng Phú, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ngọc, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Bảo Huy và Công ty TNHH May mặc Bảo Cửu...
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Công ty Huê Phong cam kết trả trợ cấp mất việc cho những công nhân làm việc tại công ty từ năm 2008 trở về trước (thời điểm chưa có bảo hiểm thất nghiệp) mỗi người 2 tháng lương. Tổng số tiền chi trả trợ cấp mất việc là gần 53 tỷ đồng. Đối với những công nhân đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.
Tiếp sức đến trường cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngày 26/5 tại Cần Thơ, Thành đoàn TP Cần Thơ phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ đã trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 150 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại đồng bằng sông Cửu Long, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: Mỗi suất học bổng dành cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trị giá 1,5 triệu đồng; dành cho sinh viên trị giá 3 triệu đồng kèm quà tặng. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 502 của Báo Tuổi Trẻ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là con em lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch.
Sau đồng bằng sông Cửu Long, chương trình sẽ trao học bổng đến với 550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc đến ngày 7/6. Tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỷ đồng, được trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do Báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh phát động. Bên cạnh hoạt động trao học bổng, chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" còn chung tay hỗ trợ trang thiết bị y tế, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 22,5 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ bày tỏ, những suất học bổng “Tiếp sức đến trường” đã hỗ trợ kịp thời để các em có thể vững bước đi tiếp con đường và không bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn.