Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 25/5: Số ca nhiễm ở Malaysia tăng cao trở lại, Indonesia sớm áp dụng 'bình thường mới'

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.282 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước. Số ca nhiễm virus ở Malaysia tăng mạnh trở lại, trong khi Indonesia áp dụng kịch bản "bình thường mới" và Thái Lan chuẩn bị cho giai đoạn 3 nới lỏng.

Chú thích ảnh
Người dân sống trong một khu nhà ổ chuột ở Tondo, Manila, ngày 4/5/2020. Ảnh: Reuters 

Theo thống kê của trang worldometers.info, đến hết ngày 25/5, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.466 người dân khu vực Đông Nam Á, tăng 25 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 33.439 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã vượt qua Singapore trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới cao nhất khu vực. Tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm bớt ở Singapore trong khi số ca mắc mới tăng mạnh trở lại ở Malaysia.

Trong nhóm 6 quốc gia đã kiểm soát được dịch, ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là hành khách từ Pháp về, được cách ly ngay từ khi nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 326 trường hợp. Các nước còn lại gồm Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào không ghi nhận ca nhiễm virus mới hay tử vong nào trong ngày.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 25/5
Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Singapore 31.960 +344 23 0 14.876
Indonesia 22.750 +479 1.391 19 5.642
Philippines 14.319 +284 873 5 3.323
Malaysia 7.417 +172 115 0 5.979
Thái Lan 3.042 +2 57 1 2.928
Việt Nam 326 +1 0 0 272
Myanmar 201 0 6 0 122
Brunei 141 0 1 0 137
Campuchia 124 0 0 0 122
Timor Lester 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 14

 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Kuala Lumpur ngày 21/5/2020. Ảnh: AFP

Số ca nhiễm mới ở Malaysia tăng cao trở lại 

Ngày 25/5, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Malaysia tăng gần gấp 3 lần so với hôm trước, là mức cao nhất trong 3 tuần qua. Theo Bộ Y tế Malaysia, nước này đã ghi nhận 172 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là lần đầu tiên sau 21 ngày, số ca mắc COVID-19 ở Malaysia trở lại mức 3 con số.

Trong số các ca nhiễm mới ngày 25/5 chỉ có 5 trường hợp từ nước ngoài về, 167 trường hợp là lây nhiễm trong nước, bao gồm 159 trường hợp không phải là công dân Malaysia. Đáng chú ý là trong số 159 ca nhiễm là người nước ngoài này có 112 ca phát hiện trong các trung tâm giam giữ của cơ quan nhập cư.

Như vậy, tính tới ngày 25/5, Malaysia có tổng cộng 7.417 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 115 ca tử vong, chiếm 1,55% và chỉ còn 1.323 ca đang tiếp tục điều trị, bao gồm 8 ca phải điều trị tích cực. Số người nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi là 5.979 người, chiếm 80,6%.

Chú thích ảnh
Công nhân nhập cư được đưa tới trung tâm giam giữ ở Petaling Jaya, Malaysia ngày 20/5. Ảnh: EPA-EFE

Indonesia sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” 

Bộ Cải cách Hành chính của Indonesia cho biết chính phủ nước này có thể sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội và chuẩn bị thực hiện kế hoạch hành động tiếp theo trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch COVID-19, theo đó sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” để ứng phó. 

Bộ trên nhấn mạnh có 3 điểm cần chú ý trong kịch bản “bình thường mới”. Thứ nhất, sắp xếp công việc linh hoạt hơn để ASN có thể làm việc tại văn phòng, nhà riêng hay bất kỳ địa điểm thích hợp nào khác. Thứ hai, thực hiện các quy định y tế, chẳng hạn giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm virus trong khi làm việc.

Liên quan việc này, Chính phủ Indonesia sẽ ban hành các văn bản quy định kèm theo về sử dụng cơ sở vật chất, không gian làm việc và điều kiện làm việc. Thứ ba, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sự quản lý của chính phủ, theo đó mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin phải thông qua văn phòng điện tử, chữ ký số và các cuộc họp trực tuyến do chính phủ kiểm soát.

Chú thích ảnh
Indonesia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Á, sau Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE

Bộ Cải cách Hành chính Indonesia cho biết thêm thời gian bắt đầu áp dụng kịch bản phụ thuộc vào quyết định thành lập "Lực lượng đặc nhiệm" phòng chống COVID-19 của quốc gia.

Singapore: Số ca nhiễm mới giảm xuống thứ hai khu vực

Ngày 25/5, Singapore ghi nhận 344 ca mắc COVID-19 (thấp hơn Indonesia với 479 ca) nâng tổng số ca lên 31.960. Trong số bệnh nhân mới có 4 người Singapore và thường trú nhân, còn lại là công nhân nhập cư sống trong các ký túc xá tập thể.

Bộ Y tế Singapore cho biết số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn. Hiện tại khoảng  47% bệnh nhân COVID-19 tại Singapore đã hồi phục hoàn toàn. 

Thái Lan chuẩn bị giai đoạn 3 nới lỏng

Chú thích ảnh
Một quán ăn tại Bangkok, Thái Lan, sử dụng tấm chắn nhựa trên bàn ăn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, ngày 22/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thái Lan ngày 25/5 ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 và một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 57 người. Hiện tại Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.042 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 96% đã bình phục (2.928 ca) và chỉ còn 57 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan đến nay đã có những diễn biến tích cực. Trong tháng này, Thái Lan có 4 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, ngày 22/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới ngày 30/6.

Giới chức Thái Lan cho biết quyết định này là để ứng phó với những diễn biến của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và cho phép chuẩn bị giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo từ đầu tháng 6. Hiện nước này cũng đang cân nhắc duy trì lệnh giới nghiêm từ 23h đêm hôm trước tới 4h sáng hôm sau hay rút ngắn thêm một tiếng, từ nửa đêm tới 4h sáng.

Trong cuộc đua chế vắc-xin, Thái Lan cho biết đang thử nghiệm vaccine phòng bệnh COVID-19 trên khỉ đuôi ngắn với mong muốn tới năm 2021 sẽ điều chế thành công một loại vắc-xin có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của Mỹ và châu Âu. Trước khi tiến hành thử nghiệm trên khỉ, các nhà nghiên cứu Thái Lan đã thử nghiệm thành công trên chuột. ado các nhà nghiên cứu Thái Lan phát triển là sản phẩm hợp tác với các chuyên gia thuộc Đại học Pennsylvania của Mỹ, sử dụng công nghệ mới dựa trên mRNA - một kiểu nguyên liệu gene chưa từng được sử dụng để sản xuất vắc-xin. Hiện có ít nhất hai hãng dược phẩm là Pfizer và Moderna cũng đang sử dụng công nghệ này để điều chế vaccine và đã ghi nhận kết quả khả quan ở giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 22/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nếu thử nghiệm trên khỉ thành công, Thái Lan sẽ tiếp tục tiến hành giai đoạn thử nghiệm tiếp theo trên người vào tháng 11 tới. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 100 loại vaccine phòng COVID-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Hiện ít nhất 8 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng trên người. 

Trong khi đó Bộ Y tế Philippines ngày 25/5 thông báo nước này ghi nhận 5 ca tử vong và 284 ca mắc COVID-19 trong ngày, mức tăng cao nhất trong 2 tuần trở lại đây. Hiện tại Philippines có tổng cộng 14.319 ca bệnh, và tổng số ca hồi phục là 3.323. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ngày 25/5: Cách ly kịp thời ca mắc COVID-19 từ Pháp về; bệnh nhân phi công người Anh vẫn hôn mê
Ngày 25/5: Cách ly kịp thời ca mắc COVID-19 từ Pháp về; bệnh nhân phi công người Anh vẫn hôn mê

Ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là hành khách từ Pháp về, đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Trong lúc 5 bệnh nhân khác được ra viện, thì bệnh nhân là phi công người Anh vẫn hôn mê, bị tổn thương phổi nghiêm trọng, nhiễm trùng phổi chưa khống chế được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN