Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 11/6: Lào tuyên bố bước đầu thắng đại dịch; số ca tử vong ở Indonesia chạm ngưỡng 2.000

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.887 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.200 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tình hình đang diễn biến nghiêm trọng, ngày một xấu đi ở Indonesia. Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.245 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 111.253 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 55.931 trường hợp.

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 2.000 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 11/6

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Singapore 39.387 +422 25   27.286
Indonesia 35.295 +979 2.000 +41 12.636
Philippines 24.175 +443 1.036 +9 5.165
Malaysia 8.369 +31 118   7.065
Thái Lan 3.125   58   2.987
Việt Nam 332       321
Myanmar 260 +12 6   165
Brunei 141   2   138
Campuchia 126       125
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu điện tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia hiện là nước đối mặt với dịch bệnh nặng nề nhất với số ca tử vong đã chạm người 2.000.

Ngày 11/6, Indonesia đã ghi nhận thêm 979 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 35.295 người, trong đó 2.000 người tử vong và 12.636 người hồi phục. Ngoài ra, 43.414 người đang được theo dõi (ODP) và 14.052 bệnh nhân được giám sát (PDP) tại 34 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước do xuất hiện các triệu chứng COVID-19 điển hình song chưa được xét nghiệm.

Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 tăng đột biến trong 6 ngày qua, bắt đầu với kỷ lục 993 ca mắc mới hôm 6/6, chỉ một ngày sau khi chính quyền Jakarta nới lỏng các biện pháp giãn cách và cho phép một số lĩnh vực mở cửa trở lại. Tiếp đó, hôm 9 và 10/6, số ca mắc COVID-19 trong ngày vượt mức 1.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này công bố 2 ca dương tính đầu tiên hôm 2/3.

Giới chức Indonesia cảnh báo rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ chứng kiến làn sóng lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai khi số ca dương tính tiếp tục tăng vọt trong vài ngày qua sau khi một số địa phương bắt đầu nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).

Ngày 11/6, truyền thông địa phương dẫn phát biểu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh rằng "nhiệm vụ lớn" của chính phủ nước này vẫn chưa kết thúc, đồng thời yêu cầu các bộ ngành trung ương và các địa phương không được để xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Chú thích ảnh
 Một địa điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cảnh báo của chính phủ về làn sóng lây nhiễm thứ hai là "quá sớm" do làn sóng thứ nhất vẫn chưa đạt đỉnh trên khắp cả nước. Nhà dịch tễ học Panji Hadisoemarto thuộc Đại học Padjadjaran nhấn mạnh rằng sẽ hợp lý hơn nếu cảnh báo về sự gia tăng các ca mắc bệnh trong làn sóng thứ nhất.

Theo ông Panji, chỉ có thể xác nhận làn sóng lây nhiễm mới sau khi đường cong dịch tễ của làn sóng lây nhiễm thứ nhất chạm đáy. Hơn nữa, việc xác định Indonesia đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ nhất dựa vào số lượng các ca dương tính được công bố hàng ngày cũng không chính xác do khả năng xét nghiệm hạn chế dẫn đến việc một lượng lớn mẫu bệnh phẩm đang bị tồn đọng.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, ông Achmad Yurianto khẳng định số ca nhiễm mới tăng cao trong những ngày qua nhờ công tác truy dấu các bệnh nhân được triển khai tích cực. Tuy nhiên, dù đã đạt mục tiêu đề ra, số mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm vẫn ở mức thấp so với các nước khác với chỉ 463.620 mẫu tính đến thời điểm này.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 4/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines là quốc gia còn lại trong khối ASEAN ghi nhận ca tử vong vì dịch COVID-19 trong ngày 11/6.

Trong vòng 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 9 ca tử vong và 443 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 24.175 ca và 1.036 ca.

Như vây, Philippines hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về tổng số ca COVID-19 và đứng thứ 2 khu vực về số ca tử vong vì dịch bệnh chết người này.

Chú thích ảnh
 Các bác sĩ bệnh viện Mittaphab cùng Bộ trưởng Y tế Lào, ông Bounkong Syhavong chia tay bệnh nhân cuối cùng dương tính với COVID-19 của Lào. Ảnh: Phạm Kiên - PV TTXVN tại Lào

Ngày 11/6, Chính phủ Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong 60 ngày liên tiếp.

Phát biểu với giới truyền thông ở thủ đô Viêng Chăn ngày 10/6, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định chiến thắng ban đầu này là bước đi quan trọng đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh có được chiến thắng này là nhờ sự đóng góp của toàn thể người dân Lào có ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Một số nhân tố khác dẫn đến thành công bao gồm việc áp đặt sớm các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch, ban lãnh đạo chú trọng công tác phòng chống dịch, theo đó thường xuyên chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả và kịp thời của tất cả các bộ ngành, tổ chức quốc tế và các nước bạn.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi ra đường. Ảnh: THX

Thủ tướng Thongloun Sisoulith cảnh báo mặc dù đạt được thành công ban đầu, tất cả các bộ ngành không được chủ quan, vì Lào hiện đang đối mặt, và trong tương lai cũng sẽ đối mặt, với những tình hình nhạy cảm và thách thức. Ông cho biết Chính phủ Lào sẽ tiếp tục đánh giá tình hình, điều chỉnh các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát phù hợp, để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, cũng như dần nối lại hoạt động của doanh nghiệp.

Lào ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 24/3 và bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện ngày 9/6 vừa qua. Chính phủ Lào đã triển khai chống dịch COVID-19 từ hơn 2 tháng trước đây, theo đó áp đặt các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát theo chỉ thị của Thủ tướng ngày 29/3.

Chú thích ảnh
 Người dân thăm Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, giới chức Thái Lan ngày 11/6 cho biết nước này không ghi nhận ca nhiễm mới hay ca tử vong mới nào do COVID-19.

Số ca nhiễm và tử vong ở Thái Lan vẫn ở mức lần lượt 3.125 ca và 58 ca. Đây là lần đầu tiên trong 3 tuần qua Thái Lan không có ca nhiễm mới trong ngày và ngày thứ 17 không có ca lây nhiễm trong nước.

Tất cả những trường hợp mắc bệnh gần đây đều từ nước ngoài trở về và đang được cách ly. Theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, tổng cộng 2.987 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục ở nước này.

Singapore tới nay vẫn là quốc gia Đông Nam Á có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất, với 39.387 trường hợp, trong đó bao gồm 422 ca mắc mới trong ngày 11/6. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì đại dịch COVID-19 khá thấp. Tới hết ngày 11/6, đảo quốc sư tử mới có 25 bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: 56 ngày không có ca mắc mới; giám sát việc hỗ trợ người khó khăn do dịch
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: 56 ngày không có ca mắc mới; giám sát việc hỗ trợ người khó khăn do dịch

Đến 18 giờ ngày 11/6, Việt Nam đã trải qua 56 ngày không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, bệnh nhân số 91 đang tiếp tục hồi phục, các bệnh nhân COVID-19 điều trị đều có sức khoẻ ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN