Tình đoàn kết của EU đứng trước phép thử về chia sẻ khí đốt

Tình đoàn kết về khí đốt của EU đang trở nên phức tạp do thiếu các thỏa thuận chia sẻ nhiên liệu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt được một thỏa thuận để đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt, nhưng để đạt được hiệu quả, các quốc gia thành viên cần thiết lập các hiệp ước song phương để chia sẻ khí đốt và hiện tại, hầu hết chưa có thỏa thuận như vậy.

Chỉ mới có vài thỏa thuận song phương, khiến hầu hết 27 quốc gia thành viên EU không có điều khoản chắc chắn về cách thức và thời điểm họ sẽ chia sẻ khí đốt khi nguồn cung bị hạn chế, hoặc khoản bồi thường tài chính mà họ sẽ cung cấp hay nhận được khi làm như vậy.

“Các thỏa thuận song phương thực sự là thách thức duy nhất vào thời điểm này nếu xay ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung thực sự”, ông Christian Egenhofer, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, cho biết.

Ông Christian Egenhofer nói: “EU đã tính đến các công cụ pháp lý, bồi thường, tài chính nhưng cũng có những hạn chế về cơ sở hạ tầng".

Lo ngại Nga có thể chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt, các nước EU tuần trước đã nhất trí hạn chế sử dụng khí đốt thêm 15% trong mùa Đông, để tích đầy kho dự trữ và sẵn sàng chia sẻ nhiên liệu trong cuộc khủng hoảng nguồn cung.

Dự luật mới của EU sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên phải gửi khí đốt đến một quốc gia láng giềng nếu các hộ gia đình hoặc các dịch vụ thiết yếu ở nước đó thiếu khí đốt nghiêm trọng.

Để điều đó xảy ra, các chính phủ phải có các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 6 quốc gia nằm trong phạm vi điều chỉnh của các hiệp định - bao gồm giữa Đức và Áo, Estonia và Latvia, Italy và Slovenia.

Quan chức phụ trách chính sách năng lượng của EU Kadri Simson đã phải kêu gọi các nước xem xét về các thỏa thuận song phương.

Các quan chức chính phủ châu Âu cũng cho biết một số quốc gia đang đàm phán các thỏa thuận song phương mới. Một thỏa thuận Đức-Séc sẽ được ký kết vào mùa Đông và Đức đang tiến hành các thỏa thuận khác với Ba Lan và Italy.

Italy và Pháp là những nước sử dụng khí đốt lớn nhất của EU sau cường quốc kinh tế Đức. Trong khi Italy chỉ có một thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt khẩn cấp, Pháp không có. Bộ năng lượng Pháp cho biết ở giai đoạn này, Pháp không có bất kỳ thỏa thuận song phương nào. Một quan chức cấp cao của Italy cho biết nước này đang đàm phán thêm một thỏa thuận với Hy Lạp về khí đốt.

Những thỏa thuận sẽ thể hiện tình đoàn kết nhằm mục đích tránh phản ứng hoảng loạn nếu một cuộc khủng hoảng nguồn cung xảy ra, và giảm nguy cơ các quốc gia chỉ tăng tích trữ nhiên liệu trong khi từ chối giúp đỡ các nước láng giềng. Nhưng một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga - chẳng hạn như Hungary không giáp biển, đã phản đối.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, đề xuất EU nên thực hiện một kế hoạch bồi thường rộng rãi hơn, trong đó các nước trả tiền cho các nước thành viên khác để tiết kiệm và chia sẻ khí đốt.

Ông Simone Tagliapietra nói: “Nếu không có cơ chế bồi thường như vậy, sẽ khó đảm bảo sự đoàn kết”, lưu ý rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, nên là người đầu tiên đóng góp.

"Nếu không có các điều khoản vững chắc hơn về chia sẻ khí đốt, chúng ta có thể không thể hiện được sự đoàn kết, ít nhất về mặt lý thuyết", ông Tagliapietra nhận định.

Ý tưởng về việc bồi thường có thể hấp dẫn các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha, vốn ban đầu không ủng hộ việc Brussels yêu cầu sử dụng ít khí đốt hơn để giúp các quốc gia trong nhiều năm đã củng cố mối quan hệ năng lượng chặt chẽ hơn với Moskva.

Tây Ban Nha vốn không phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng sau khi các nước EU thông qua việc hạn chế khí đốt, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã bày tỏ sẵn sàng tăng cường năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Tây Ban Nha vì lợi ích của tất cả mọi người.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng cam kết: "Như một phần của sự đoàn kết châu Âu, Berlin sẵn sàng đảm bảo khí đốt chảy sang các nước láng giềng như Áo và Séc".

Đức cho đến nay là quốc gia tích cực nhất trong tìm kiếm các thỏa thuận đoàn kết với các nước láng giềng. Là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, các đường ống của Đức là mạch dẫn khí đốt đến nhiều nước ở Trung và Đông Âu.

Tuy nhiên, một số nước dường như không muốn hợp tác. Hungary trong tháng này cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang các nước khác. Ba Lan cho biết quyết định này đã bị đa số đủ điều kiện thực hiện sai và yêu cầu quyền phủ quyết hợp pháp.

Thỏa thuận tiết kiệm khí đốt của EU đã được tất cả 27 thành viên thông qua ngoại trừ Hungary, nước này ban đầu cũng phản đối các lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU đối với Nga. Thỏa thuận đặt ra các biện pháp hạn chế tự nguyện đối với việc sử dụng khí đốt có thể bị ràng buộc trong một cuộc khủng hoảng nguồn cung.

Nhưng nó bao gồm một loạt các miễn trừ và một số nhà phân tích cho rằng điều này có nghĩa là, nếu Nga đóng cửa các dòng chảy, thì cần phải có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn và chia sẻ giữa các quốc gia để đảm bảo nguồn cung.

Một nhà ngoại giao của EU cho biết việc giúp đỡ lẫn nhau là vì lợi ích của các nước, do một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng thiếu khí đốt ở một quốc gia thành viên - đặc biệt là ở Đức - sẽ bùng phát và lan rộng ra toàn khối. Nhà ngoại giao này nói: “Nếu Berlin sụp đổ, các nước EU sẽ gục ngã cùng với nước Đức".

Công Thuận/Báo Tin tức (Reuters/EURACTIV.com)
Ukraine muốn hỗ trợ EU về điện trong khủng hoảng năng lượng
Ukraine muốn hỗ trợ EU về điện trong khủng hoảng năng lượng

Tổng thống Volodomyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN