Tờ The Economist bình luận động thái cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt của EU sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của toàn châu lục. Trước đó, hôm 26/7, hầu hết tất cả các nước EU đã thông qua kế hoạch tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 31/3/2023.
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia ngày càng lo ngại Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho EU. Hiện tại, đường ống khí đốt Nord Stream 1 – huyết mạch quan trọng dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức - đang hoạt động ở mức 20% công suất. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga giải thích việc giảm nguồn cung khí đốt là do họ ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm khí nén Portovaya vìvấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, EU cho rằng Moskva đang sử dụng khí đốt để gây áp lực chính trị lên khối này. Trong khi đó, tuyến đường vận chuyển khí đốt thay thế qua Ukraine cũng đã bị Kiev hạn chế.
Tạp chí The Economist cho rằng lý do chính của kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” khí đốt của châu Âu là để đảm bảo các hộ gia đình có đủ khí đốt để sưởi ấm và tránh tình trạng các nhà máy phải đóng cửa nếu thiếu khí đốt Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, thành công của kế hoạch này còn phụ thuộc phần lớn vào yếu tố thời tiết.
“Nếu mùa đông tới ấm áp, EU có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này. Nhưng nếu thời tiết khắc nghiệt, tất cả các thành viên trong khối sẽ phải chứng minh rằng họ có thể gắn kết với nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, Đức nói riêng sẽ cần thể hiện tình đoàn kết với các nước thành viên khác. Quốc gia này nằm ở trung tâm của mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của châu Âu. Chẳng hạn, liệu Đức có cho phép chuyển khí đốt đến Cộng hòa Séc để giúp người dân ở đây chống chọi với mùa đông khắc nghiệt hay không? Điều đó có nghĩa là các nhà máy của họ phải tăng công suất hoạt động?”, tờ báo viết.
Tạp chí của Anh lấy dẫn chứng rằng khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, một số nước châu Âu, bao gồm cả Đức, đã áp lệnh cấm xuất khẩu đồ bảo hộ để tránh tình trạng thiếu hụt trong nước
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng kế hoạch phân bổ khí đốt của châu Âu cũng có một số điểm yếu khác. Chẳng hạn, mức độ phân bổ khí đốt của Nga cho mỗi quốc gia là khác nhau.
Trước khi được thông qua, một số quốc gia - bao gồm Italy, Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về kế hoạch này. Các nước này cho biết họ đã cắt giảm lượng tiêu thụ với lý do thiếu kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí của châu Âu.Đ iều đó có nghĩa là khí đốt tiết kiệm được ở những nước này không thể được sử dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt ở những nơi khác.
Hơn nữa, thực tế là các quyết định về năng lượng thường là vấn đề quốc gia, theo Bloomberg.
Kế hoạch được phê duyệt cũng đi kèm với một số miễn trừ. Theo đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chỉ phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt 7% thay vì 15% như đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu. Một số miễn trừ khác cũng được đề xuất nhưng không có đủ sự đồng thuận nhất trí của các nước thành viên. Hungary đã bỏ phiếu phản đối thoả thuận này.