Thông tin trên được tiết lộ trong một báo cáo của tình báo Mỹ do Tạp chí Phố Uôn (WSJ) thu thập mới đây.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin biết rõ về bản tài liệu này, thông tin về triệu chứng bệnh của các nhà khoa học Vũ Hán vẫn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người nghi ngờ đây là bằng chứng tin cậy ám chỉ nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, trong khi số khác lại cho rằng cần phải tiếp tục điều tra thêm để xác minh thêm.
Một nguồn tin giấu tên nói với WSJ: "Thông tin mà chúng tôi có được từ nhiều nguồn khác nhau. Nó rất chuẩn xác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xác định được nguyên nhân các nhà nghiên cứu bị bệnh”.
Nguồn gốc của đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao trong năm 2020 và sang năm 2021 vẫn luôn là chủ đề của các cuộc tranh luận ồn ào. Theo một báo cáo công bố hồi tháng 3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus SARS-CoV-2 có thể lây sang người từ động vật.
Trước đó từng có giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 là một sản phẩm của phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, theo kết luận báo cáo của một nhóm gồm 12 nhà khoa học quốc tế của WHO đến Vũ Hán điều tra, họ khẳng định "khó có khả năng" virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm và cho đến giờ vẫn chưa rõ nguồn gốc COVID-19.
Một trong những nhân vật vẫn luôn nghi ngờ COVID-19 là một sản phẩm của phòng thí nghiệm là chuyên gia hàng đầu tại Mỹ về bệnh truyền nhiễm Tiến sĩ Anthony Fauci. Đầu tháng 5, ông vẫn một mực tuyên bố ông không tin COVID-19 là một sự phát triển tự nhiên và yêu cầu cần phải điều tra thêm để xác định nguồn gốc thực sự.
“Các nhà điều tra nói rằng virus có thể bắt nguồn từ một ổ chứa động vật sau đó lây nhiễm cho các cá thể, nhưng nó có thể là một cái gì đó khác, và chúng ta cần tìm ra điều đó. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng tôi hoàn toàn ủng hộ bất kỳ cuộc điều tra nào xác minh nguồn gốc của virus SARS-CoV-2”, Tiến sĩ Fauci phát biểu.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 và sau đó là lan nhanh ra toàn cầu với sự gia tăng chóng mặt của các bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận trên 167 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 3,4 triệu trường hợp tử vong.