Ngày 11/8, các nhà điều tra về vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ngày 17/7/2014, cho biết họ đã phát hiện được những mảnh vỡ “có thể” là từ tên lửa BUK do Nga chế tạo ở nơi chiếc máy bay xấu số này rơi gần Donetsk, khu vực miền Đông Ukraine.
Xác máy bay MH17 tại khu vực rơi, gần thị trấn Shaktarsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Máy bay dân
sự này đã bị bắn hạ trên vùng trời Ukraine trong bối cảnh xảy ra giao
tranh dữ dội giữa lực lượng của chính phủ và các phần tử ly khai thân
Nga. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Ukraine và nhiều
nước phương Tây cáo buộc phe nổi dậy bắn hạ chiếc Boeing 777 này và
nói rằng họ có thể đã sử dụng tên lửa BUK do Nga cung cấp. Trong khi đó,
Moskva và phe nổi dậy bác bỏ hoàn toàn trách nhiệm và công khai buộc
tội quân đội Ukraine.
Công tố viên Hà Lan Fred Westerbeke cho biết
các điều tra viên Hà Lan và quốc tế đang phân tích 7 “mảnh vỡ lớn với
nhiều kích cỡ... có thể là từ hệ thống tên lửa BUK”. Phát biểu trên
kênh truyền hình NOS, ông Westerbeke nói: “Hiện vẫn quá sớm để kết luận
các mảnh vỡ mà chúng tôi tìm thấy là từ tên lửa BUK đã bắn hạ máy bay
MH17”. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc điều tra đang “tới gần hơn” đến việc
tìm ra ai đứng sau vụ tấn công này.
Tuyên bố của Ủy ban An toàn Hà
Lan (OVV) và Đội Điều tra Chung (JIT) cho biết các mảnh vỡ này “có thể
giúp xác định ai liên quan tới vụ bắn hạ MH17”. JIT bao gồm các điều tra
viên từ Hà Lan, Ukraine, Australia, Malaysia và Bỉ - các quốc gia bị
ảnh hưởng lớn nhất trong vụ này.
Chính quyền Hà Lan đã hoàn tất việc
thu hồi các mảnh vỡ và thi thể ở khu vực xảy ra tai nạn hồi tháng
4/2015, vốn trước đó bị cản trở bởi các giao tranh liên tục diễn ra.
Tháng 6/2015, các chuyên gia Hà Lan đã trở lại miền Đông Ukraine và lấy
mẫu đất từ khu vực mà tên lửa BUK có thể đã bắn hạ MH17.
Cả quân đội
Nga và Ukraine đều có tên lửa BUK trong kho vũ khí của họ. Nhà sản xuất
hệ thống này của Nga hồi tháng 6/2015 nói rằng dựa trên các hình ảnh
công khai về đống đổ nát, chiếc máy bay bị nạn có khả năng bị bắn hạ bởi
một trong số các tên lửa của họ.
Các điều tra viên quốc tế, bao gồm
các đại diện từ Hà Lan, Ukraine, Malaysia, Australia, Anh, Mỹ và Nga,
đang họp ở La Haye (The Hague, Hà Lan) để thảo luận về báo cáo dự thảo của OVV về nguyên
nhân gây ra vụ việc.
Tháng 7/2015, Nga đã phủ quyết một dự thảo tại
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập một tòa án quốc tế để
điều tra thủ phạm trong vụ bắn hạ chiếc máy bay này. Các quốc gia tham
gia cuộc điều tra đang tìm kiếm các phương thức khác để tiến hành khởi
tố vụ án, mặc dù chưa có nghi phạm nào được công khai.
OVV sẽ công
bố báo cáo cuối cùng về việc vũ khí nào, chứ không phải ai, đã bắn hạ
MH17. Các nhà điều tra hàng không cũng đang xem xét quá trình đưa ra
quyết định cho phép máy bay dân sự bay qua vùng chiến sự, nơi một số máy
bay quân sự Ukraine trước đó đã bị bắn hạ bởi các tay súng ly khai ở độ
cao khá lớn.