Theo thông báo chính thức của i3S, sự thay đổi trong tế bào lympho T giải thích vì sao một số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, trong khi một số khác diễn biến nặng và phức tạp.
Nghiên cứu cho thấy các tế bào T tuần hoàn cung cấp sự bảo vệ cơ thể chống lại virus thông qua việc trao đổi các glycan (phân tử đường) theo cách riêng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Những bệnh nhân có số tế bào T được glycosyl hóa (quá trình gắn carbonhydrate vào protein hoặc phân tử lipid) nhiều hơn sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh hơn, theo đó họ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.
Theo các nhà nghiên cứu, có thể phát hiện được phản ứng này khi chẩn đoán, nhờ đó tạo lập “dấu hiệu sinh học mới về tiên lượng và mức độ nghiêm trọng của COVID-19, cũng như mục tiêu điều trị mới”.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy ở những bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, các tế bào đơn nhân trong máu có sự gia tăng biểu hiện một protein có khả năng nhận biết virus một cách hiệu quả.
i3S đã hợp tác cùng Trung tâm Bệnh viện Đại học Porto và Trung tâm bệnh viện Vila Nova de Gaia/Espinho tiến hành nghiên cứu trên.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành The Journal of Immunology.