Tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Giới chức các nước đều cho rằng biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề kinh tế cơ bản, đòi hỏi phải có các giải pháp tài chính phù hợp.


Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim trong phiên thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Reuters/ TTXVN

Chia sẻ trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những nội dung đáng quan tâm tại một loạt hội nghị quan trọng của Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đang diễn ra tại thủ đô Lima.

Giới chức các nước đều cho rằng biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề kinh tế cơ bản, đòi hỏi phải có các giải pháp tài chính phù hợp. Mặc dù các nước phát triển đã cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, song theo báo cáo của IMF và WB, trong năm nay các nước vẫn còn thiếu 38 tỷ USD mới đạt cam kết trên.

Trong bối cảnh chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp, việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các quốc gia trong vấn đề này là vô cùng quan trọng.

Phát biểu với báo giới tại Peru ngày 8/10, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã kêu gọi các nước phát triển và các ngân hàng cần có nhiều hành động hơn nữa để hỗ trợ chống biến đổi khí hậu. Ông cho rằng để COP 21 thành công, các nước cần giải quyết được câu hỏi về kinh phí thực hiện.

Về phần mình, Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ Alberto Moreno đều cam kết sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song không nêu con số hay kế hoạch cụ thể.

Trong một phát biểu cùng ngày, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định nếu không thể có hành động khẩn cấp đối với tình trạng ấm lên toàn cầu, nhân loại sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Trước đó, bà Lagarde nhận định rằng chính phủ các nước nên áp dụng cơ chế đánh thuế carbon hơn là dựa vào việc thương mại hóa lượng cắt giảm khí thải. Cơ chế này hiện đang được vận hành tại một số nước châu Âu, theo đó chính phủ sẽ đưa mức khí thải cho phép và các doanh nghiệp thải nhiều hơn hạn mức có thể mua hạn mức hoặc quyền thải khí từ các doanh nghiệp thải ít hơn.

TTXVN/Tin Tức
Thành lập Nhóm các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu
Thành lập Nhóm các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu

Ngày 8/9, tại thủ đô Lima của Peru, các Bộ trưởng Tài chính của 20 nước có nguy cơ cao nhất hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu đã nhóm họp đánh dấu sự ra đời của nhóm mới, với tên gọi V20.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN