Tiêu chảy, vàng da, viêm gan: Dịch bệnh bủa vây hàng nghìn người ở Dải Gaza

Tiêu chảy ra máu, vàng da, viêm gan cấp tính và nhiễm trùng đường hô hấp. Đây chỉ là một số căn bệnh đang lây lan ở Dải Gaza, nơi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hệ thống y tế đang sụp đổ.

Chú thích ảnh
Một khu trại tạm tại Dải Gaza ngày 11/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN, khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bước sang tháng thứ ba, các tổ chức y tế và viện trợ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân đạo tại vùng đất này. Liên hợp quốc lo ngại rằng số người chết vì bệnh tật có thể nhiều hơn vì bom và tên lửa.

Dải Gaza đã bị Israel bao vây hoàn toàn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ngày 7/10.

Hầu hết Dải Gaza đã không còn lương thực, nước uống, điện và vật tư y tế khi hàng trăm nghìn người Palestine phải di dời đến những không gian nhỏ để trú ẩn khỏi những đợt không kích của Israel.

Ngoài người nước ngoài và một số ít người Palestine bị thương, hầu như không ai có thể rời khỏi Gaza, nơi có trên 2 triệu người vẫn bị mắc kẹt.

Cơ quan y tế do Hamas kiểm soát tại Gaza cho biết trên 18.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra.

Hiện trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe Gaza

Chú thích ảnh
Người dân tại một trại tạm ở Dải Gaza ngày 8/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nhiều tuần qua, các bác sĩ ở Gaza và Liên hợp quốc đã cảnh báo về những đợt bùng phát dịch bệnh chết người. WHO cho rằng cuộc khủng hoảng ở Gaza là một “công thức gây ra dịch bệnh”.

Trong bài phát biểu với các nước thành viên WHO, ngày 10/12, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chỉ có 14 trong số 36 bệnh viện ở Gaza còn hoạt động, trong đó hai bệnh viện chính ở miền Nam phải hoạt động với công suất gấp ba lần.

Ông nói thêm rằng chỉ có hai bệnh viện còn lại hoạt động ở phía Bắc Wadi Gaza, nơi mà Israel đã yêu cầu khoảng 1,1 triệu người sơ tán về phía Nam khi bắt đầu chiến dịch trên bộ vào ngày 13/10. Chỉ còn lại 1.400 giường bệnh và các cơ sở y tế đã không còn nguồn cung gì trong khi đang là nơi trú ẩn tạm thời cho những người phải di dời.

Các dịch bệnh đáng lo ở Gaza

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng lấy nước sinh hoạt tại Dải Gaza ngày 8/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng giám đốc WHO cảnh báo rằng có những tín hiệu đáng lo ngại về các bệnh dịch như tiêu chảy ra máu và vàng da, đồng thời cũng có thông tin về nhiều trường hợp mắc tiêu chảy nói chung và viêm đường hô hấp.

Theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát, các bệnh khác đã xuất hiện ở Gaza còn có bệnh sởi, viêm màng não, thủy đậu và viêm gan siêu vi cấp tính.

Ngày 12/12, ông Richard Peeperkorn, Đại diện của WHO tại Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết có khoảng 160.000 đến 165.000 trường hợp tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều hơn so với thời điểm bình thường.

Bệnh tiêu chảy là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị, bệnh tiêu chảy có thể kéo dài vài ngày, khiến cơ thể không có nước và muối cần thiết để tồn tại.

Cơ quan y tế ở Gaza cũng đã báo cáo trên 133.000 trường hợp viêm đường hô hấp trên, trên 17.000 trường hợp có chấy rận và trứng chấy, khoảng 35.000 trường hợp phát ban da và hơn 1.900 trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Dù cơ quan y tế ở Gaza chưa ghi nhận trường hợp mắc tả nào, nhưng tổ chức Médecins Sans Frontières (MSF) đã nhiều lần cảnh báo về khả năng bùng phát dịch tả trong bối cảnh thiếu nước sạch ở những khu vực quá đông đúc. Hồi tháng 10, MSF cảnh báo: “Nhiều người đang uống nước mặn hoặc nước bị ô nhiễm, có thể khiến họ bị bệnh”.

Dịch tả đã lây lan trong các cuộc chiến tranh ở Yemen, Syria và Sudan trong những năm gần đây.

Vào tháng trước, Cơ quan giám sát nhân quyền Euro-Med cảnh báo rằng các thi thể ở gần hoặc trong nguồn nước cũng có thể dẫn đến ô nhiễm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả và các bệnh về đường tiêu hóa khác.

Các loại virus lây truyền qua đường máu và bệnh lao có thể là do thi thể bị phân hủy lộ thiên trong thời gian dài - điều thường thấy trong chiến tranh ở Gaza.

Sau khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện đối với Gaza vào ngày 9/10, vùng đất này nhanh chóng bắt đầu cạn lương thực và nước uống. Nguồn cung cấp nhiên liệu hết dần, khiến Gaza không có hoặc có rất ít điện để cung cấp cho các cơ sở y tế, làm lạnh thực phẩm hoặc thậm chí bảo quản lạnh thi thể của người thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

Israel đang mở rộng hoạt động quân sự sâu hơn vào miền Nam Gaza, yêu cầu dân thường sơ tán khỏi các khu vực mà họ vừa di chuyển đến theo lời kêu gọi trước đó.

Ngày 10/12, WHO cho biết rằng gần như toàn bộ dân số Gaza - 1,9 triệu trong số hơn 2 triệu người ở vùng đất này - đã phải di dời.

Có rất ít nơi để di chuyển và hàng trăm nghìn người đang di chuyển đến những khu vực đông đúc hơn. Liên hợp quốc ước tính ít nhất 60% nhà ở ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hỏng tính đến ngày 24/11.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Chú thích ảnh
Người dân tại khu lều tạm ở Rafah, Dải Gaza, ngày 8/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 12/12 theo giờ New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 78 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức vì ý do nhân đạo ở Dải Gaza. Nghị quyết được thông qua tại Phiên họp khẩn cấp thứ 10 của ĐHĐ LHQ về khủng hoảng Gaza.

Nghị quyết kêu gọi các bên ngừng bắn vì nhân đạo ở Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin ngay lập tức. Các điều khoản bổ sung của Áo và Mỹ vào bản nghị quyết, trong đó lên án trực tiếp phong trào Hamas, đã không nhận được số phiếu ủng hộ cần thiết.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Dennis Francis cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đang ngày càng nghiêm trọng, đồng thời một lần nữa yêu cầu các bên ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách là chấm dứt mọi hành động bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường vô tội. Theo ông Francis, đang có các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào dân thường, sự sụp đổ của các hệ thống nhân đạo và tình trạng thiếu tôn trọng sâu sắc luật pháp quốc tế, cũng như luật nhân đạo quốc tế. Nhà ngoại giao này khẳng định chiến tranh cũng phải có luật lệ và các bên không được phép chệch hướng khỏi các nguyên tắc và giá trị cốt lõi.

Trước đó, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo.

Ông Philippe Lazzarini, Giám đốc Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) nói rằng nhân viên Liên hợp quốc tại Gaza cảm thấy bị bỏ rơi sau động thái phủ quyết của Mỹ. Ông nói rằng họ không thể hiểu tại sao lệnh ngừng bắn vẫn chưa được thống nhất sau khi hàng nghìn người thiệt mạng và phải di dời.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trẻ mồ côi trong cuộc chiến ở Gaza không có người thân chăm sóc
Trẻ mồ côi trong cuộc chiến ở Gaza không có người thân chăm sóc

Đứa trẻ 10 tuổi mang những vết sẹo do cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang ngồi chơi trên giường bệnh ở Gaza, nhưng cô bé không biết rằng cả gia đình mình đã thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN