Kết quả này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo các nước nhằm thực hiện những mục tiêu đặt ra tại hội nghị: bao phủ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, ngăn chặn các ca tử vong do COVID-19 và xây dựng hệ thống an ninh y tế toàn cầu tốt hơn.
Hội nghị do Mỹ cùng với Đức (Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7), Indonesia (Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20), Senegal (Chủ tịch Liên minh châu Phi - AU) và Belize (Chủ tịch Cộng đồng Caribe - CARICOM) đồng chủ trì, diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa ghi nhận một dấu mốc buồn khi số người tử vong vì COVID-19 tại nước này đã lên trên 1 triệu ca, số người không qua khỏi ở châu Âu cũng qua con số 2 triệu. Tới nay đại dịch đã cướp đi sinh mạng của trên 6 triệu người trên toàn thế giới.
Mặc dù hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, tiến tới mở cửa toàn bộ nền kinh tế, khôi phục hoạt động xã hội để trở lại trạng thái bình thường, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố kết thúc đại dịch. WHO tiếp tục kêu gọi các nước duy trì các hệ thống giám sát để nhận biết sớm những bất thường và đánh giá dịch bệnh kịp thời trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hay các dòng phụ của các biến thể vẫn được phát hiện ở nhiều nơi.
Hai điểm nhấn quan trọng nhất đạt được tại hội nghị lần này là những cam kết hỗ trợ tài chính mới cho cuộc chiến chống dịch toàn cầu và cam kết chia sẻ công nghệ y học trong phòng ngừa và điều trị COVID-19. Các bên đã cam kết đóng góp mới hơn 3 tỷ USD, cao hơn và vượt xa các cam kết được đưa ra cho tới ngày 12/5 khi hội nghị diễn ra. Trong đó, hơn 2 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với COVID-19, 962 triệu USD đổ vào một quỹ của Ngân hàng thế giới (WB) để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai và đảm bảo an ninh y tế toàn cầu. Mỹ tuyên bố đóng góp thêm 200 triệu USD cho quỹ này, nâng mức Washington cam kết lên 450 triệu USD. Liên minh châu ÂU (EU) cho biết sẽ cung cấp 300 triệu euro để hỗ trợ các chiến dịch tiêm phòng, 450 triệu USD cho quỹ dự phòng y tế toàn cầu. Các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm và lĩnh vực tư nhân cam kết đóng góp hơn 700 triệu USD.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Washington cũng cam kết chia sẻ 11 công nghệ y học với cơ chế chia sẻ bản quyền y học được Liên hợp quốc bảo trợ (MPP). Cam kết này mở ra hy vọng cải thiện khả năng tiếp cận vaccine, các phương pháp điều trị và xét nghiệm cho người dân ở các nước thu nhập thấp hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thông qua việc chia sẻ và hỗ trợ thúc đẩy năng lực tự sản xuất của các nước có thu nhập thấp hơn, thế giới sẽ có thể đảm bảo một tương lai khỏe mạnh hơn. Trong khi đó, các hãng dược phẩm cũng cam kết sẽ sản xuất những phiên bản thuốc điều trị có giá thành phải chăng hơn để cung cấp cho những nươc thu nhập trung bình và thấp.
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, hội nghị cũng là cơ hội để nhìn nhận và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc và vấn đề đang cản trở cuộc chiến chống COVID-19. Thực tế cho thấy những nỗ lực riêng lẻ của Mỹ hay một số quốc gia sẽ không đủ để giúp toàn bộ thế giới thoát khỏi đại dịch. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh đang xuất hiện và ngày càng lan rộng có thể khiến cuộc chiến kéo dài. Tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh đã được dỡ bỏ ở nhiều nước, không khí khẩn trương ứng phó với dịch bệnh cũng đã chùng xuống. Ngay cả khi những biến thể mới vẫn đang xuất hiện và lây lan, các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang chậm lại, hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa tiêm phòng.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Cơ chế phân bổ vaccine toàn cầu COVAX có đủ nguồn cung để các nước thực hiện được các mục tiêu tiêm phòng quốc gia. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ có hơn 65% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, chưa đến 16% người dân tại các nước nghèo được tiêm phòng. Khả năng các nước đạt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 6/2022 như WHO đề ra gần như khó có thể thực hiện.
Trong khi số lượng vaccine sản xuất đã nhiều hơn và có thể phân bổ rộng rãi hơn thì những khó khăn về cơ sở vật chất tiếp nhận vaccine tại các nước đang phát triển hay tâm lý nghi ngờ vaccine lại đang cản trở những nỗ lực bao phủ vacccine. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, hơn 680 triệu liều trong tổng số hơn 1 tỷ liều mà quốc gia này tặng cho nước ngoài đã không được sử dụng vì không còn đủ hạn sử dụng hoặc không được tiêm kịp.
Tính đến tháng 3/2022, 32 quốc gia nghèo sử dụng chưa đến 50% số lượng vaccine được tặng. Những quốc gia như Cameroon, Uganda và Cote d'voire vẫn phải chật vật tìm kiếm đủ số lượng tủ đông để vận chuyển vaccine, huy động đủ kim tiêm hay nhân viên y tế cho các chiến dịch tiêm phòng. Ở nhiều nước, các nhân viên y tế không được trả lương hoặc trả lương không xứng đáng khiến chiến dịch tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nhận định việc tặng vaccine trong hoàn cảnh này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ lãng phí và không hiệu quả.
"Đại dịch COVID-19 chưa qua đi. Thế giới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khống chế đại dịch và tất cả các quốc gia đều phải hành động nhiều hơn" - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo "làm mới" những nỗ lực chống dịch, duy trì tinh thần phòng dịch đến chừng nào đại dịch COVID-19 được kiểm soát và ngăn chặn những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Những cam kết và hành động mạnh mẽ tại hội nghị đã "tiếp thêm động lực" cho cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19, trong đó một cách tiếp cận với sự phối hợp giữa tất cả các nước chính là cánh cửa để thế giới thoát khỏi "bóng ma" của virus SARS-CoV-2.