Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB), khoảng 2,3 tỷ người tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ hít phải khói độc hại khi nấu ăn trên các kiểu bếp truyền thống hoặc bếp lửa ngoài trời. Báo cáo cho biết thêm, mỗi năm có 3,7 triệu người chết sớm do các thói quen nấu ăn có hại, trong đó trẻ em và phụ nữ có nguy cơ cao nhất.
Hiện có tới hơn 33% dân số thế giới nấu ăn bằng nhiên liệu sinh ra khói độc hại, trong đó có gỗ, than củi, than đá, chất thải nông nghiệp... Chúng gây ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Người dân hít phải khói độc hại này có nguy cơ cao gặp các vấn đề về hô hấp và tim mạch, bao gồm cả ung thư và đột quỵ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, những cách đun nấu theo phương pháp truyền thông nói trên là nguyên nhân gây tử vong sớm cao thứ ba trên thế giới và cao thứ hai tại châu Phi và đặc biệt là nguyên nhân chính gây viêm phổi ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, hình thức đun nấu như vậy cũng cản trở cơ hội tiếp cận giáo dục của phụ nữ và trẻ em khi họ phải mất hàng giờ để tìm kiếm chất đốt.
Cũng theo IEA, khí thải nhà kính từ việc sử dụng các dạng bếp truyền thống và nạn phá rừng để lấy củi cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể gây hiện tượng ấm lên toàn cầu. Việc chuyển sang các phương thức nấu ăn sạch, như dùng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) hoặc bếp điện để đun nấu, sẽ hạn chế được 1,5 tỷ tấn khí thải CO2 mỗi năm vào năm 2030, gần bằng lượng khí thải của tàu biển và máy bay trong năm ngoái.