Theo Ember, các nước G20 chiếm 80% lượng khí thải từ ngành điện trên thế giới, với lượng CO2 bình quân đầu người từ điện than trong năm ngoái là 1,6 tấn, tăng so với mức 1,5 tấn ghi nhận năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 1,1 tấn trung bình toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu của Ember cho thấy Trung Quốc, nước tiêu thụ than đá và phát thải CO2 lớn nhất thế giới, ghi nhận mức phát thải bình quân đầu người trong năm ngoái là 3,1 tấn, tăng 30% so với mức của năm 2015 dù đã bổ sung thêm 670 GW năng lượng tái tạo trong giai đoạn này. Trung Quốc cam kết bắt đầu giảm tiêu thụ than đá nhưng phải từ giai đoạn 2026-2030. Theo một nghiên cứu gần đây, Trung Quốc đã tiếp tục phát triển các nhà máy điện than mới với 243 GW điện than được phê duyệt hoặc đang được xây dựng, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của cả nước Đức.
Trong cùng thời gian trên, Ấn Độ cũng ghi nhận lượng khí thải bình quân đầu người từ việc sử dụng than đá tăng 29%, lên 0,8 tấn. Một trong những tác giả thực hiện báo cáo của Ember, chuyên gia Dave Jones, cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ thường trong danh sách những nước sản xuất điện than gây ô nhiễm nhất thế giới nhưng khi tính đến mật độ dân số thì Hàn Quốc và Australia lại là những quốc gia gây ô nhiễm nhất trong năm 2022. Kể từ năm 2015, Australia đã cắt giảm hơn 25% lượng khí thải bình quân đầu người từ sử dụng than đá nhưng vẫn ở mức cao hơn 4 tấn/người. Lượng khí thải của Hàn Quốc cũng giảm gần 10%, xuống 3,3 tấn/người nhưng vẫn ở mức cao thứ hai trong G20.