Tập đoàn dầu lửa khổng lồ Chevron đã rút 500.000 USD cho các lễ hội kéo dài nhiều ngày.
Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, vốn đang là mục tiêu của ông Trump, đã cam kết đóng góp 1 triệu USD.
Sheldon và Miriam Adelson, hai “gã khổng lồ” trong ngành cá cược, đã góp nhiều hơn thế.
Theo NYTimes, các tập đoàn nói trên không phải là những ví dụ duy nhất. Nhóm chuẩn bị cho các hoạt động nhậm chức của ông Trump cho biết đã quyên góp được hơn 100 triệu USD. Con số này cao gần gấp đôi kỷ lục số tiền dùng cho một lễ nhậm chức. Phần lớn các khoản đóng góp đều là các tờ séc có 6 hoặc 7 số 0 từ các tập đoàn lớn của Mỹ.
Đổi lại, các nhà tài trợ hào phóng nhất của ông Trump sẽ được tiếp cận với cả một tuần nhậm chức được lên kế hoạch kỹ lưỡng và phần lớn khép kín với công chúng Mỹ. Trong các sự kiện tại tuần nhậm chức này, các nhà tài trợ có thể gặp gỡ những thành viên nội các tương lai của ông Trump trong các bữa ăn thân mật.
Cho dù đảng nào kiểm soát Nhà Trắng thì cứ bốn năm một lần, các tập đoàn và cá nhân giàu có đều mở hầu bao. Còn chính quyền thì dành cho các nhà tài trợ các sự kiện riêng cùng với các đãi ngộ khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các nhà tài trợ của ông Trump được tiếp cận sâu rộng hơn và không bị hạn chế mức đóng góp so với các lễ nhậm chức tổng thống gần đây.
Đối với những người rút tiền tài trợ cho sự kiện, tuần nhậm chức sẽ khác với những gì mà người Mỹ bình thường xem qua TV. Các sự kiện tiệc tùng sẽ bắt đầu vào tối 17/1 với “Bữa tối Toàn cầu của Chủ tịch” dành cho các thành viên nội các được đề cử của ông Trump, các lãnh đạo quốc hội, các nhà ngoại giao nước ngoài và một vài nhà tài trợ hàng đầu.
Ngày 18/1, các sự kiện trong ngày gồm buổi tiếp tân buổi trưa do ông Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng mới của ông Trump, chủ trì; bữa tối vinh danh Phó tổng thống đắc cử Mike Pence.
Ngày 19/1 sẽ có một “bữa trưa lãnh đạo” nữa. Đây vốn là một buổi hòa nhạc tại tượng đài Lincoln với sự tham gia của các nghệ sĩ như Toby Keith và 3 Doors Down. Ngoài ra, ngày này còn có một tiệc tối với ông Trump và gia đình ông dành cho 1.500 người.
Các gói tham dự dao động từ 25.000 USD tới 1 triệu USD hoặc hơn đôi với cả khách cá nhân và tập đoàn.
Trong suốt cả tuần, các phương tiện cá nhân sẽ đưa đón các nhà tài trợ từ vô số khách sạn hạng sang – nơi họ được ưu tiên trong đặt phòng – tới nơi tổ chức sự kiện. Trong thời gian không có lịch trình, các nhà tài trợ sẽ có thể tận dụng các chuyến thăm quan riêng tới các viện bảo tàng Smithsonian dành cho họ mà ủy ban nhậm chức sắp xếp.
Tùy vào quy mô món quà, các nhà tài trợ cũng sẽ nhận được một số vé VIP khác nhau để dự buổi khiêu vũ nhậm chức.
Không giống với chiến dịch tranh cử, ủy ban nhậm chức không phải theo nhiều quy định về tiền quyên góp và cách sử dụng. Mỗi chính quyền tự quyết định và có quy định riêng của mình.
Tổng thống George W. Bush không hạn chế đối tượng quyên góp nhưng có đặt ra hạn mức là 100.000 USD năm 2001 và 250.000 USD năm 2005.
Ông Barack Obama đi xa hơn năm 2009 khi cấm mọi quà tặng từ các nhà vận động hành lang và tập đoàn, giới hạn mức quà cá nhân là 50.000 USD. Vậy mà khi đó, nhóm gây quỹ của ông cũng quyên góp được con số kỷ lục 53 triệu USD.
Năm 2013, ông Obama nới lỏng hạn chế, chấp nhận quà của doanh nghiệp tới 1 triệu USD và quà cá nhân tới mức 250.000 USD.
Nhóm của ông Trump cho biết sẽ không nhận quà từ các nhà vận động hành lang liên bang hoặc các doanh nghiệp hỗ trợ mà có giá hơn 1 triệu USD. Ủy ban không đặt mức trần khoản đóng góp của các cá nhân.
Ủy ban nhậm chức sẽ không phải công bố các khoản tài trợ cho tới cuối tháng 4, 90 ngày sau lễ nhậm chức.
Số tiền quyên góp sẽ chi cho cả các chương trình nhậm chức không chính thức. Tiền thừa sẽ được dùng làm từ thiện.