Tiềm năng của vắc-xin từ nước bọt muỗi

Một nhà khoa học Mỹ cho rằng có thể sử dụng protein từ nước bọt của muỗi để tạo vắc-xin phòng các bệnh do loài côn trùng này gây ra.

Chú thích ảnh
Bức tượng muỗi bên ngoài phòng thí nghiệm của Jessica Manning ở Campuchia. Ảnh: Reuters

Cách đây 5 năm, trong tổ hợp văn phòng với bức tượng một con muỗi khổng lồ ở Tây Bắc Phnom Penh, cô Jessica Manning bỗng nảy ra một sáng kiến. Thay vì dành nhiều năm nghiên cứu vắc-xin phòng sốt rét, cô quyết định sẽ phối hợp mọi mầm bệnh do muỗi gây ra vào một loại vắc-xin. Ý tưởng của Jessica Manning xoay quanh nước bọt của muỗi.

Jessica Manning tại Viện bệnh truyền nhiễm và dị ứng Quốc gia Mỹ tin rằng cô có thể sử dụng protein từ nước bọt của muỗi để tạo vắc-xin.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết nếu được phát triển, vắc-xin này có thể phòng mọi mầm bệnh muỗi “tiêm” vào con người như sốt rét, sốt vàng da, Zika, chikungunya, sốt Tây sông Nile, virus Mayaro và nhiều bệnh khác.

Cô Manning cho biết: “Chúng ta cần công cụ sáng tạo hơn”. Cô đang phát triển loại vắc-xin dựa trên sinh vật. Sinh vật này là cơ thể sống truyền mầm bệnh sang con người hoặc mầm bệnh này lây truyền từ người sang người.

Tất cả những vắc-xin dành cho con người hiện nay chỉ nhắm đến một mầm bệnh. Nhưng Manning lại đi theo sinh vật gây bệnh. Ý tưởng của cô là “huấn luyện” hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra protein nước bọt và phản ứng làm yếu đi hoặc ngăn chặn lây nhiễm.

Ngày 11/6, tạp chí y khoa The Lancet đăng tải kết quả ban đầu nghiên cứu của cô Manning và đồng nghiệp, lần đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vắc-xin từ nước bọt muỗi trên con người. Thử nghiệm giai đoạn 1 với vắc-xin từ nước bọt muỗi được tiến hành trên 49 tình nguyện viên tại Trung tâm Y tế Quốc gia ở Bethesda, bang Maryland (Mỹ). Một tình nguyện viên bị tấy đỏ 8 cm quanh khu vực tiêm và đã được điều trị.

Thử nghiệm cho thấy vắc-xin tạo từ muỗi Anopheles là an toàn, kích hoạt kháng thể. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều thử nghiệm để xác định hiệu quả từ vắc-xin nước bọt muỗi.

Ông Michael McCracken tại Viện nghiên cứu Quân sự Walter Reed (Mỹ) nhận định: “Đây là công việc lớn và quan trọng. Muỗi thường được coi là loại động vật chết chóc nhất trên Trái Đất”.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học nghiên cứu muỗi tại một phòng thí nghiệm ở Campuchia. Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ riêng sốt rét đã khiến 400.000 người chết mỗi năm. Trường hợp tử vong thường xảy ra ở những nước nghèo không nhận đủ hỗ trợ vốn và nghiên cứu vaccine.

Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 khiến toàn cầu tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu vắc-xin và các bệnh truyền nhiễm. Một trong những bệnh được quan tâm là bệnh lây truyền từ muỗi.

Tuy nghiên cứu của cô Manning tập trung vào muỗi nhưng đây là ví dụ cho thấy các nhà khoa học đang thay đổi quan điểm về cách xử lý bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy vắc-xin từ nước bọt của ruồi cát giảm thương tổn của bệnh leishmaniasis. Nghiên cứu trên chuột trong năm 2018 cho thấy nước bọt muỗi Anopheles giúp phòng sốt rét. Một nghiên cứu khác trên chuột trong năm 2019 cho thấy nước bọt muỗi Aedes cải thiện khả năng kháng virus Zika.

Một nhà khoa học khác tại Đại học Maryland đã thử nghiệm vắc-xin từ protein nước bọt muỗi với công thức khác biệt.

Hà Linh/Báo Tin tức
Các nhà khoa học Trung Quốc: Ruồi, muỗi không phải là vật trung gian lây nhiễm virus SARS-CoV-2
Các nhà khoa học Trung Quốc: Ruồi, muỗi không phải là vật trung gian lây nhiễm virus SARS-CoV-2

Kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy muỗi không thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN