Bộ Y tế Brazil cho biết sẽ tiến hành chiến dịch mang tên "Ngày quốc gia vận động cho cuộc chiến chống muỗi Aedes Aegypti", tác nhân làm lây lan virus Zika, tại 350 thành phố trên khắp Brazil vào ngày 13/2. Bộ trưởng Quốc phòng Aldo Rebelo cho biết chiến dịch trên khuyến khích mọi người dân tham gia diệt trừ muỗi. Chiến dịch đặt mục tiêu phát 4 triệu tờ rơi trong ngày 13/2 và sẽ có khoảng 3 triệu hộ dân nhận được thông tin về quá trình sinh nở của muỗi Aedes Aegypti.
Brazil đã triển khai khoảng 220.000 binh sĩ phân phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống muỗi đến từng nhà. Khoảng 50.000 binh sĩ với sự hỗ trợ của các nhân viên y tế địa phương cũng đảm nhiệm việc phun thuốc muỗi và đặt thuốc diệt ấu trùng muỗi.
Một em bé bị teo não do nhiễm virus Zika điều trị tại bệnh viện ở Salvador, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kể từ khi virus Zika bùng phát mạnh tại Brazil tháng 10/2015, đến nay đã có 4.000 trường hợp trẻ sơ sinh bị teo não, tăng mạnh so với 147 trường hợp năm 2014. Hiện Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của virus Zika với gần 1,5 triệu người lây nhiễm.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Colombia Kevin Whitaker cho biết các nhà khoa học Mỹ đã có mặt tại quốc gia Nam Mỹ này để cùng phối hợp nghiên cứu vaccine phòng ngừa virus Zika, đồng thời nghiên cứu khả năng có sự liên quan giữa virus Zika với bệnh teo não ở thai nhi và hội chứng Guillain Barré - một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên.
Theo thống kê, đã có hơn 25.000 trường hợp bị chẩn đoán nhiễm virus Zika tại Colombia, trong đó có 3.000 thai phụ. Colombia cũng đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do hội chứng Guillain Barré bị nghi có liên quan đến virus Zika. Giới chức nước này ước tính các ca nhiễm loại virus này có thể lên tới 600.000 người vào cuối năm nay.
Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đối với phụ nữ có thai, virus có thể để lại dị tật thai nhi với chứng teo não. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ.