Máy bay Sukhoi SU-24 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Kênh truyền hình Fox News dẫn lời hai quan chức tình báo Mỹ phụ trách tại khu vực Trung Đông cho biết "Khi điều này lần đầu tiên xảy ra, chúng tôi nghĩ đó chỉ là tình cờ. Nhưng sau đó là 2 lần nữa".
Cả 2 nguồn tin trên cho biết các sự cố xảy ra trên vùng trời do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát, trong đó có tỉnh Raqqa, vốn được xem như thành trì của IS, cũng như trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, gần thị trấn Korba. Một trường hợp xảy ra ở Tây Bắc Syria, gần Aleppo.
Máy bay không người lái MQ-1 Predator của Mỹ dễ bị rađa phát hiện vì không sử dụng công nghệ tàng hình. Theo một nguồn tin, máy bay tiêm kích của Không quân Nga không tìm cách bắn hạ máy bay do thám Mỹ, song bay đủ gần để có thể khiến đối phương phát hiện thấy. Một nguồn tin cho biết máy bay "Nga bay rất gần, song không cản trở đường bay của các UAV".
Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết gần đây, ít nhất một máy quân sự của Mỹ đã phải thay đổi đường bay nhằm tránh các máy bay chiến đấu của Nga trên không phận của Syria.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Hải quân Jeff Davis thừa nhận: “Chúng tôi gặp phải ít nhất một trường hợp mà phải hành động để đảm bảo rằng chúng tôi không để xảy ra cự ly mất an toàn”.
Tuy nhiên, ông Davis cho biết ông không thể cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc, trong đó có số lần xảy ra trường hợp như vậy. Theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc, máy bay Mỹ hàng ngày vẫn đang triển khai các cuộc oanh kích và những sứ mệnh khác ở Syria. Nhưng ông Davis thừa nhận rằng các chiến dịch trên không đã có sự điều chỉnh kể từ khi người Nga bắt đầu tiến hành hoạt động không kích của họ ở Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Douglas Lute cho biết tại Syria đã hình thành lực lượng của Nga với quy mô lữ đoàn (khoảng 1.000 người), trang bị pháo, tên lửa tầm xa, xe tăng hiện đại, hệ thống phòng không và trực thăng chiến đấu.
Hồi giữa tháng 9, kênh truyền hình ABC News trích dẫn nguồn tin của Mỹ cho biết tại Syria, ngoài máy bay, Nga còn gửi tới trực thăng chiến đấu Mi-17 và Mi-24, 36 xe bọc thép, 9 xe tăng T-90 và 2 hệ thống tên lửa phòng không.
Nguồn tin Mỹ khẳng định tại căn cứ ở Latakia có 500 lính Nga. Ngày 22/9, nguồn tin của "Financial Times" đã thông báo kế hoạch của Nga về việc triển khai 2.000 quân tại Latakia gồm các nhân viên kỹ thuật cũng như binh sĩ để bảo vệ căn cứ. Đánh giá số lượng nhân viên tại căn cứ không quân Latakia, các nguồn quân sự Phương Tây cho rằng con số này khá tương xứng với số lượng cần thiết để vận hành các căn cứ của liên quân Phương Tây, ví dụ như ở Afghanistan.
Ngày 7/10, các tàu chiến của Nga triển khai tại Biển Caspian đã bắn tên lửa hành trình vào Syria trong bối cảnh quân đội của chính quyền Damascus phát động cuộc tấn công trên bộ ở miền Trung nước này trong khuôn khổ cuộc tấn công phối hợp không bộ đầu tiên kể từ khi Moskva mở màn chiến dịch quân sự của nước này tại Syria hồi tuần trước.
Theo các quan chức Nga, các quả tên lửa hành trình đã bay gần 1.500 km qua Iran, Iraq và đánh trúng các mục tiêu tại tỉnh Raqqa, Aleppo ở miền Bắc và tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria. Được biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có các căn cứ địa tại Raqqa và Aleppo, trong khi nhóm Mặt trận al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda đã duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Idlib.
Trong bài phát biểu với Tổng thống Nga Vladmir Putin được phát trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 4 chiến hạm của Nga ở Biển Caspian đã tiến hành 26 vụ oanh tạc bằng tên lửa vào Syria, đồng thời khẳng định chiến dịch này đã phá hủy tất cả các mục tiêu và không quả tên lửa nào bắn trúng các khu vực dân sự.
Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Thực tế việc chúng ta phóng các vũ khí chính xác từ Biển Caspian tới khoảng cách khoảng 1.500 km và trúng tất cả các mục tiêu định sẵn cho thấy thành tựu của các nhà máy công nghiệp quân sự và kỹ năng tuyệt vời của các quân nhân".
Bên cạnh đó, nước này tuyên bố sẵn sàng thiết lập các cuộc tiếp xúc với nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) – nhóm đối lập chính ở Syria theo đường lối ôn hòa và được Phương Tây hậu thuẫn - nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva muốn thông tin cho các đối tác của nước này mà có “liên hệ với nhóm FSA về sự sẵn sàng của phía Nga nhằm thiết lập các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo của nhóm này”.
FSA đang chiến đấu chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chính quyền vốn đang được Moskva ủng hộ. Nga tuyên bố nước này muốn có sự tham gia của FSA trong quá trình chuẩn bị cho “một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua các cuộc thương lượng giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập này”.
Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Moskva sẵn sàng giúp các lực lượng của quân đội Chính phủ Syria cùng với FSA để đánh bại các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức IS và “các nhóm khủng bố khác” với sự phối hợp của Không quân Nga.