Thủy thủ tàu USS Boxer kể về khoảnh khắc gay cấn trên Eo biển Hormuz

Bình minh ngày 18/7, lính thủy quân lục chiến trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer trang bị súng máy, bắt đầu vào vị trí canh gác khi chiến hạm này bắt đầu đi vào Eo biển Hormuz. 

Tàu USS Boxer đang dẫn đầu nhóm tàu Hải quân Mỹ tiến vào một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới. Chạy xung quanh nó là các tàu chiến của Hải quân Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Bầu không khí rất căng thẳng. Hai xe bọc thép hạng nhẹ nạp sẵn vũ khí cùng với các khẩu pháp nòng 25mm đã đứng sẵn sàng tại vị trí tấn công. Các thủy thủ giữ chặt ống nhòm, căng thẳng nhìn về phía đường chân trời mờ ảo của Vịnh Ba Tư. “Tuyến đường này nhiều tàu qua lại hơn hẳn chỗ khác. Tất cả đều đổ dồn vào một chỗ”, thủy thủ Ensign Ashley Clavette nói. 

Chú thích ảnh
Trực thăng cất cánh từ đường băng trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer khi đi qua Eo biển Hormuz ngày 18/7. Ảnh: U.S. Marine Corps

Trong khuôn khổ chương trình tập trận diễn ra vài tháng một lần, hành trình qua Vịnh Ba Tư hôm 18/7 đã đẩy hàng ngàn thủy thủ Mỹ vào thời điểm chính trị căng thẳng gia tăng giữa Washington và Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Tehran mặc dù rất nhiều thành viên trong đoàn không biết điều này.  

Tờ báo Wall Street Journal chính là tổ chức truyền thông duy nhất có mặt trên tàu Boxer khi tàu triển khai vũ khí gây nhiễu và tiêu diệt thiết bị bay của Iran. Một phóng viên của tờ báo này đã hỏi chuyện trên 20 thủy thủ, lính thủy quân lục chiến và chỉ huy tàu trong hơn 4 ngày. 

Thủy thủ đoàn đã bàn tán sôi nổi về hành trình qua Eo biển Hormuz. Tiếng xì xào phấn khích xuất hiện không ngớt khi chỉ huy tàu Boxer lấy loa phóng thanh phát thông báo về nơi họ đang hướng đến vào tối 17/7. “Tôi đã đề nghị mọi người ăn bữa tối thịnh soạn, nghỉ ngơi thật tốt tối nay và thể hiện hết sức mình vào sáng mai”, Thuyền trưởng Ronald Dowdell nói.

Boxer là tàu tấn công đổ bộ chở theo máy bay và dẫn đầu một nhóm tàu gồm 3 chiến hạm với 4.500 thủy thủ cùng lính thủy quân lục chiến sẵn sàng triển khai lên đất liền ngay khi xung đột nổ ra. Nhóm tàu này bao gồm hai tàu trực thăng USS John P. Murtha và USS Harpers Ferry cùng Đội tàu thám hiểm biển số 11. 

Lực lượng hùng hậu này có thể lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Họ khởi hành từ San Diego từ tháng 5 và sẽ làm sứ mệnh trên biển từ 5 – 7 tháng. Nhóm tàu đổ bộ này bắt đầu hành trình qua Eo biển Hormuz vào rạng sáng 18/7 giờ địa phương. Các trực thăng MH-60S Seahawk gầm rú trên đường băng của tàu Boxer. Chúng hợp chung với phi đội trực thăng tấn công AH-1Z Viper gắn tên lửa và súng máy UH-1Y Venom.

Tàu khu trục USS Bainbridge, tàu trực thăng USS Lewis B. Puller cùng một tàu chở dầu của Hải quân Mỹ cũng gia nhập nhóm tàu của Boxer – màn phô trương sức mạnh để chứng minh cam kết của Mỹ với các đồng minh. 

Chú thích ảnh
Tàu USS Boxer trên Thái Bình Dương ngày 29/5. Ảnh: US Navy

Ngay sau khi tiến vào eo biển lúc 7 giờ sáng, một chiếc trực thăng Bell 212 của Iran đã bay phía trên tàu Boxer, cách boong tàu không xa khiến thủy thủ đoàn bất ngờ. “Chiếc trực thăng ập đến nhanh chóng. Nó đã ở rất gần ngay khi chúng tôi trông thấy nó”, ông Taylor Burleson, sĩ quan Hải quân có mặt trên đài chỉ huy khi đó kể lại. 

Không rõ Boxer đã liên lạc với trực thăng của Iran trước khi nó bay lượn qua con tàu hay chưa. Giới chức Hải quân Mỹ đã không cung cấp chi tiết về các cuộc liên lạc. Một phi công Hải quân sau đó cho biết nhiều khả năng một trực thăng Seahawk đã nhanh chóng xuất kích bay vào giữa máy bay của Iran và tàu Boxer, xua đuổi nó tránh xa đội tàu.  

Khi đội tàu tiếp tục tiến sâu vào điểm hẹp nhất của eo biển chỉ chừng 33km, lính thủy đánh bộ trên boong tàu hét lớn khi thấy nhóm thuyền phía trước, hỏi nhau xem chúng có trang bị vũ khí hay không. Các binh sĩ cầm súng bắn tỉa trên đài chỉ huy hay còn gọi là “hàng kền kền” đã phát hiện 4 tàu tấn công nhanh của Iran – thực chất là các tàu cao tốc gắn vũ trung – và một tàu quân sự cỡ lớn hơn. 

Phía tàu Mỹ phải cận trọng vì IRGC thường dùng tàu tấn công nhanh trang bị ngư lôi và tên lửa tầm ngắn để bao vây tàu của quân đối địch. Lực lượng này cũng có tàu tuần tra nhỏ gắn súng máy và bệ phóng rocket. 

Tàu Boxer vượt qua đội tàu này mà không gặp phải sự cố song các trực thăng quân Mỹ ngay sau đó lại xuất kích vù vù để xua đuổi một máy bay do thám. Đội tàu của Mỹ cũng đi ngang qua các tàu chở dầu và tàu thương mại. Khoảng 10 giờ sáng, một quân nhân trên boong tàu tấn công đổ bộ phát hiện một thiết bị bay không người lái nên hét lớn để báo động. 

Từ boong tàu không thể nhìn thấy chiếc máy bay này. Họ cũng không thể xác định đây có phải là chiếc máy bay mà ông Trump tuyên bố đã bị tiêu diệt sau đó hay không. Vụ bắn hạ không thể quan sát được bằng mắt thường tại “hàng kền kền”. Cùng ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ thông báo chiếc máy bay không người lái đã bị tiêu diệt bởi một hệ thống chiến tranh điện tử. 

Gần 17h30 chiều cùng ngày, Thuyền trưởng Dowdell đã gửi lời cảm ơn qua loa phóng thanh đến toàn bộ thủy thủ cùng lính đánh bộ trên tàu Boxer vì đã vượt qua Eo biển Hormuz thành công và chuyên nghiệp, song không hề đề cập đến vụ tiêu diệt máy bay của Iran. Các quan chức Hải quân Mỹ từ đài chỉ huy thông báo đội tàu đã đi qua eo biển mà không gặp sự cố đáng kể nào. 

Lúc 22h15, tại Nhà Trắng, ông Trump thông báo về vụ bắn rơi máy bay không người lái, khiến nhiều người trên tàu sững sờ. Lý giải cho quyết định trên, ông chủ Nhà Trắng cho biết thiết bị bay của Iran đã đe dọa đến sự an toàn của tàu chiến cùng thủy thủ đoàn. 

Sáng hôm sau, không khí trên tàu Boxer vẫn hoàn toàn bình thường. Thuyền trưởng Dowdell thông báo rằng ông “vô cùng tự hào về sự thể hiện của mọi người và cách phối hợp nhóm ngày hôm qua. “Tôi có thể nói với các bạn rằng, điều này chính là nhân tố chính đối với thành công của chúng ta”, ông nói thêm. 

Về phía mình, Tehran đã bác bỏ toàn bộ thông tin Nhà Trắng công bố về vụ bắn hạ máy bay. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nêu rõ trong thời gian gần đây, Iran "không thất lạc bất kỳ máy bay không người lái nào trên Eo biển Hormuz, hay bất kỳ nơi nào khác". Ông Araghchi cho rằng tàu tấn công đổ bộ USS Boxer đã bắn nhầm thiết bị bay không người lái của chính mình. 

Ngày 19/7, IRGC đã công bố một đoạn video về tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ được ghi hình bởi chính chiếc máy bay không người lái mà Washington tuyên bố bắn rơi. Đoạn video được coi là lời bác bỏ chính thức đối với các tuyên bố của Nhà Trắng về số phận của chiếc máy bay tại Eo biển Hormuz, đồng thời là bằng chứng chứng minh nó đã quay trở về căn cứ an toàn. (Xem video dưới đây. Nguồn: Press TV)

 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Nhật Bản muốn góp phần làm giảm nhiệt căng thẳng Mỹ - Iran
Nhật Bản muốn góp phần làm giảm nhiệt căng thẳng Mỹ - Iran

Nhật Bản muốn nỗ lực hết mình nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, trước khi nước này có quyết định chính thức về việc Washington đề nghị Tokyo cử tàu chiến tới bảo vệ vùng biển chiến lược ngoài khơi Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN