Đồng thời cơ quan này cũng tán thành quyết định tương tự mà Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) đưa ra trước đó. Trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, quyết định trên đã nhận được sự ủng hộ của 27 thượng nghị sĩ, cao hơn gấp đôi số ý kiến phản đối (13 thượng nghị sĩ).
Hồi tháng 3 vừa qua, tại Hạ viện, số nghị sĩ tán thành rút lại đơn xin gia nhập EU là 126 người, 46 người phản đối và 18 người không có ý kiến.
Thụy Sĩ đệ đơn xin gia nhập EU hồi tháng 5/1992. Tuy nhiên, khi tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này vào tháng 12/1992, người dân Thụy Sĩ đã phản đối gia nhập không gian kinh tế châu Âu lúc đó.
Vấn đề rút hay không rút lại đơn xin gia nhập này đã gây tranh cãi tại quốc gia Trung Âu này. Các nghị sĩ đảng Nhân dân thuộc phe bảo thủ đề nghị rút đơn xin gia nhập EU vì ủng hộ quy chế trung lập của Thụy Sĩ và cho rằng việc gia nhập EU sẽ đe dọa chủ quyền của nước này.
Nghị sĩ Lukas Raimann, người đứng đầu tổ chức xã hội "Hành động vì Thụy Sĩ độc lập và trung lập", đã châm ngòi cho các cuộc tranh cãi trong Quốc hội Thụy Sĩ.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận xã hội hàng năm "An ninh - 2016" công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua, đa số công dân Thụy Sĩ đánh giá cao phương hướng phát triển kinh tế độc lập của nước này và không muốn đất nước họ gia nhập EU.
So với năm 2015, số người ủng hộ gia nhập EU đã giảm từ 21% xuống còn 16%, trong khi đó, có đến 95% người dân Thụy Sĩ ủng hộ quy chế trung lập của nước này.
Có ý kiến cho rằng quyết định trên của Quốc hội Thụy Sĩ sẽ phần nào tác động đến tâm lý cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi EU vào ngày 23/6 tới đây.