Theo tờ Blick, ngày 29/8 tới, Uỷ ban Quốc phòng Liên bang do Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đứng đầu sẽ trình bày báo cáo từ ủy ban nghiên cứu nhằm mục đích cung cấp “động lực cho chính sách an ninh trong những năm tới”.
Một trong những khuyến nghị là tăng cường hợp tác với NATO, mà theo ủy ban lập luận, sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Thụy Sĩ.
“NATO vẫn là bên bảo đảm an ninh cho châu Âu trong tương lai gần. Đây là chuẩn mực cho các đội quân phương Tây hiện đại và xác định các tiêu chuẩn cho công nghệ quân sự phương Tây”, tài liệu nêu rõ.
Mặc dù không khuyến nghị tư cách thành viên trong khối, nhưng ủy ban đã đề xuất ký kết “các thỏa thuận bí mật” để giải quyết các mối đe dọa từ tên lửa tầm xa, chiến tranh mạng diện rộng chống lại các quốc gia châu Âu hoặc xâm phạm không phận.
Tài liệu cũng cho biết Thụy Sĩ nên nghiêm túc chuẩn bị cho phòng thủ tập thể, bao gồm tham gia các cuộc tập trận của NATO. Tờ báo lưu ý rằng điều này trái ngược với tình trạng trung lập của Thụy Sĩ.
Các chuyên gia cũng kêu gọi Thụy Sĩ xem xét lại Đạo luật Liên bang về Vật tư Chiến tranh, trong đó cấm chuyển giao trực tiếp xe tăng Thụy Sĩ cho Ukraine. Tài liệu lưu ý rằng chính sách này đã “gây ra sự nhầm lẫn và thất vọng trong EU và NATO”.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyến nghị rằng chính sách trung lập nên được sửa đổi để cho phép quốc gia này xây dựng lập trường về các cuộc xung đột có thể xảy ra (Nga - NATO) một cách kịp thời và dự đoán các yêu cầu có thể xảy ra.
Tờ Blick lưu ý rằng cả phe cánh tả và đảng Nhân dân Thụy Sĩ có khả năng phản đối chiến lược mới được đưa ra và sẽ làm mọi cách để ngăn chặn NATO, EU và ít trung lập hơn.
Thụy Sĩ đang duy trì lập trường “trung lập vĩnh viễn” theo hiến pháp. Các nghĩa vụ của nước này bao gồm kiềm chế tham gia vào các cuộc xung đột, cấm vận chuyển vũ khí đến các vùng chiến sự từ hoặc qua lãnh thổ của nước này và đưa binh sĩ đánh thuê cho các quốc gia tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, cũng như đảm bảo quốc phòng đất nước.
Nga đã đặt câu hỏi về lập trường trung lập của Thụy Sĩ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc Bern trở nên “công khai thù địch” với Moskva vì nước này ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và đã đóng băng hàng tỉ đô la tài sản của Nga.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Thụy Sĩ gần như phá vỡ truyền thống trung lập, khi áp lực chính trị và dư luận công chúng ủng hộ Ukraine buộc chính phủ phải chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới khu vực có xung đột.
Thụy Sĩ trung lập từ năm 1815 và tình trạng này được bảo đảm bởi hiệp ước năm 1907. Theo đó, Thụy Sĩ sẽ không gửi vũ khí trực tiếp hoặc gián tiếp cho các bên tham chiến trong một cuộc xung đột. Nước này áp dụng một lệnh cấm vận riêng về bán vũ khí cho Ukraine và Nga.
Theo kết quả cuộc thăm dò được công bố hồi tháng 3, khoảng 91% dân số Thụy Sĩ cho rằng quốc gia này vẫn nên duy trì trạng thái trung lập.