Trước đó, ngày 14/12, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã trình bày các ưu tiên của nước này trong thời gian đảm nhận cương vị trên, liên quan các vấn đề an ninh, khả năng phục hồi, thịnh vượng, các giá trị dân chủ và pháp quyền.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Kristersson nhấn mạnh: “Thụy Điển sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng EU vào thời điểm EU đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn là nền tảng cho các ưu tiên của Thụy Điển”.
Thụy Điển gia nhập EU ngày 1/1/1995. Quốc gia này đã từng 2 lần giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào các năm 2001 và 2009.
CH Séc đã chính thức kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU kéo dài 6 tháng hôm 31/12 vừa qua và chuyển giao nhiệm vụ cho Thụy Điển. Thủ tướng Séc Petr Fiala cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Séc bị ảnh hưởng đáng kể từ cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Đây cũng chính là 2 trong số 5 ưu tiên mà Chính phủ Séc đã công bố khi bắt đầu đảm nhận cương vị trên, trong đó còn bao gồm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu, an ninh không gian mạng và khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Âu.