Dự luật nhận được sự ủng hộ của 60 thượng nghị sĩ, 30 ý kiến phản đối và 1 phiếu trắng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phế truất nữ Chánh án Tòa án Tối cao Malgorzata Gersdorf , người đã từ chối từ chức hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Trước đó, văn bản này đã được Hạ viện Ba Lan thông qua, cho phép chọn chánh án thay thế khi 80 thẩm phán được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao, giảm so với còn số 110 thẩm phán. Theo lộ trình, sau được hai viện quốc hội thông qua, dự luật sẽ được Tổng thống Andrzej Duda, ký ban hành.
Một phiên họp Quốc hội Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Dự luật mới đã được Hạ viện thông qua ngày 20/7 là một trong rất nhiều cải cách tư pháp gây tranh cãi mà chính phủ do đảng cầm quyền Luật pháp và công lý (PiS) lãnh đạo tiến hành nhằm "thay máu" Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao. Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh nhiều tuần hỗn loạn liên quan đến việc nhiều thẩm phán của Tòa án Tối cao bị buộc phải về hưu sớm theo một đạo luật giảm tuổi về hưu từ 70 xuống còn 65.
Ước tính kế hoạch cải tổ tư pháp của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới 27 trong tổng số 73 thẩm phán đang làm việc tại Tòa án Tối cao, trong đó có bà Gersdorf. Tuy nhiên, Chánh án Gersdorf tuyên bố không về hưu trước khi hết nhiệm kỳ 6 năm của mình, đến năm 2020. Truyền thông Ba Lan cho biết cho tới nay đã có 16 thẩm phán yêu cầu Tổng thống Duda kéo dài nhiệm kỳ cho họ.
PiS nhấn mạnh những thay đổi trên nhằm chống tham nhũng và cải cách hệ thống tư pháp lỗi thời. Nhưng phe đối lập trong nước và EU cảnh báo các động thái này sẽ hủy hoại tính độc lập của cơ quan tư pháp, hủy hoại luật pháp và nền dân chủ.
Ngày 2/7, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ tiến hành thủ tục pháp lý kiện Chính phủ Ba Lan do lo ngại những thay đổi mà Vácsava áp dụng với Tòa án Tối cao nước này có thể làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này cũng như tính thượng tôn pháp luật, hai nguyên tắc chủ chốt của EU. EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mới này. Đáp lại, phía Ba Lan vẫn khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn.