Tờ Bloomberg dẫn báo cáo từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về tương lai sau đại dịch COVID-19 của các chuỗi giá trị toàn cầu (dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hoá trong đó có nhiều nước tham gia) cho thấy hoạt động thương mại trong các đường cung ứng đó đã giảm về mức độ tuyệt đối cùng với các loại hình thương mại khác.
Tuy nhiên, chúng sẽ vẫn là cốt lõi của sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngay cả khi các nhà sản xuất toàn cầu xem xét đưa dây chuyền sản xuất về gần trụ sở chính.
Hiện nay, hàng loạt chính sách thuế quan được áp đặt đối với hàng tỷ USD hàng hóa trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hình thành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang được duy trì.
Báo cáo của UNDP cho biết: “Cú sốc từ chính sách thương mại này là rất lớn. Mặc dù có một số mối liên kết chuỗi giá trị toàn cầu chưa được làm sáng tỏ, nhưng không có nghĩa là mô hình này sẽ không xuất hiện sự phân rã hàng loạt".
Mặc dù ảnh hưởng của các cú sốc trên là không đáng kể, nhưng nếu không có các chính sách được thiết kế để làm gián đoạn việc chia sẻ sản phẩm - ví dụ, những chính sách nhắm vào sử dụng đầu vào bên ngoài thay vì thương mại nói chung - việc thay đổi hoàn toàn sự phổ biến của chuỗi giá trị toàn cầu là vô cùng tốn kém.
Năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã nhất về một thỏa thuận thương mại một phần, song phía Bắc chưa từng đáp ứng các cam kết mua hàng của họ. Đại diện thương mại của Mỹ tuyên bố rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn là “sự mất cân bằng đáng kể".
Báo cáo nêu rõ ngoài cuộc thương chiến, các chính sách hạn chế trong thời đại dịch COVID-19 cũng góp phần tăng thêm những cú sốc thương mại do các nước sản xuất hạn chế xuất khẩu.
Những rắc rối về nguồn cung xảy ra khi chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu tăng vọt, dẫn đến nguy cơ thúc đẩy giá tiêu dùng, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại cho các thị trường toàn cầu vốn đang chuẩn bị cho việc gia tăng lạm phát.
Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP nhận xét: “Những gì chúng tôi nhìn thấy là đại dịch và chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đã thực sự đa dạng hóa rủi ro”.
Báo cáo còn cho thấy có tiềm năng đáng kể để các nước thúc đẩy thương mại thông qua hai hiệp định lớn là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cả hai hiệp định trên đều liên quan đến các nền kinh tế ở châu Á.
Các quốc gia tham gia CPTPP có thể được hưởng lợi ích tương đương 12 năm hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu bổ sung dựa trên tỷ lệ quan sát được từ năm 2000 đến năm 2018, trong khi các quốc gia RCEP có thể thấy mức tăng tương đương với gần 5 năm.
UNDP cũng gợi ý các nền kinh tế châu Á - vốn dựa vào xuất khẩu thiết bị vận tải, hàng điện tử, hàng dệt may cùng các mặt hàng khác – nên tập trung vào phát triển chính sách tái phân phối chung và mạng lưới an sinh xã hội. Hai yếu tố này đều đem lại hiệu quả hơn về trung hạn và dài hơn trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển con người hơn là hạn chế dòng chảy thương mại và đầu tư.