Kết quả trên được đưa ra sau đợt nghiên cứu đối với khoảng 700.000 phụ nữ mang thai trong giai đoạn 2008-2010, trong đó một nhóm nhà khoa học quốc tế đã so sánh kết quả phân tích giữa 6.000 thai phụ tại Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Pháp được kê thuốc chống cảm cúm oseltamivir hoặc zanamivir (thường gọi là Tamiflu và Relenza) với gần 700.000 người không dùng thuốc này.
Đây là nghiên cứu lớn chưa từng có để có thể đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn từ việc uống 2 loại thuốc chính chống lây nhiễm cúm nói trên trong suốt thời kỳ mang bầu của thai phụ. Sau khi tính tới các yếu tố như độ tuổi, việc hút thuốc lá và việc sử dụng các loại thuốc khác, nhóm nhà khoa học nhận thấy không gia tăng nguy cơ xuất hiện những kết quả bất lợi đối với thai nhi từ nhóm 6.000 thai phụ dùng thuốc so với nhóm gần 700.000 phụ nữ còn lại. Các nguy cơ này bao gồm trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non hoặc có các dị tật bẩm sinh.
Thậm chí, theo kết quả nghiên cứu, trẻ do những người mẹ từng uống Tamiflu hoặc Relenza - các loại thuốc được xem là các chất ức chế enzym mang tính kháng nguyên có trên bề mặt virus cúm, rất ít khi bị nhẹ cân.
Dịch cúm thường xuất hiện vào mùa Đông, khiến hàng triệu phụ nữ mang thai trên toàn thế giới có nguy cơ bị cảm cúm khá nặng trong thời gian dài. Nhiều cơ quan giám sát dược phẩm đã khuyến cáo sử dụng các loại thuốc chống cảm cúm, "bất chấp nhận thức hạn chế về tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này trong suốt thai kỳ". Do đó, nghiên cứu trên được coi là một minh chứng phản bác lại khuyến cáo này
Tuy vậy, các nhà khoa học cũng thẳng thắn thừa nhận chưa đánh giá được các nguy cơ đối với thai nhi trước tuần thứ 22 của thai kỳ và chưa xác định được liệu các phụ nữ được kê đơn thuốc nói trên có thực sự uống thuốc trong thai kỳ hay không.