Hàng hóa được bày bán tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh biện pháp thuế quan của Mỹ là "không hợp lý" và gây tổn hại kinh tế cho cả hai bên, cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ủy ban này cũng tái khẳng định mong muốn đàm phán và đạt được thỏa thuận cân bằng và cùng có lợi với Washington, cho biết các biện pháp trả đũa có thể được đình chỉ bất kỳ lúc nào, nếu hai bên đạt được kết quả đàm phán.
Dự kiến, các đại diện của 27 quốc gia thành viên sẽ họp tại Brussels để thống nhất việc áp thuế bổ sung lên đến 25% đối với một số sản phẩm đến từ Mỹ nhằm đáp trả các mức thuế tương tự mà chính quyền Donald Trump đã áp dụng từ tháng 3 đối với thép và nhôm của EU.
Cùng với đó, Brussels cũng đang chuẩn bị phản ứng trước mức thuế 20% đối với hàng hóa EU, có hiệu lực từ ngày 9/4. Phản ứng cụ thể có thể được công bố vào đầu tuần tới.
Ông Maros Sefcovic, Ủy viên thương mại của EU, nhấn mạnh rằng châu Âu sẵn sàng sử dụng “mọi công cụ” trong kho vũ khí thương mại để tự bảo vệ mình.
Trong khi đó, chi tiết đầy đủ của danh sách sản phẩm của Mỹ mà EU đang nhắm tới vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các nguồn tin truyền thông, danh sách này bao gồm: nhóm hàng nông sản: trứng, đậu nành, gia cầm, xúc xích, gạo, ngô ngọt, hạnh nhân, nước cam; nhóm hàng nguyên liệu: gỗ, thép, kính an toàn; nhóm hàng phương tiện: mô tô, du thuyền; cùng các loại hàng hóa khác: kim cương, thiết bị gia dụng, mỹ phẩm, sản phẩm nhựa, bài tây, thuốc lá... Tổng giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ bị đánh thuế bổ sung ước tính khoảng 22 tỷ euro - thấp hơn so với con số ban đầu là 26 tỷ euro, do một số mặt hàng đã bị loại khỏi danh sách cuối cùng, như bourbon (một loại rượu whisky Mỹ) và rượu vang Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm sữa cũng không bị ảnh hưởng.
Nếu các nước thành viên đồng thuận, mức thuế 25% sẽ được triển khai theo ba giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên có hiệu lực từ ngày 15/4 đối với các hàng hóa như quả mọng và nước cam, giai đoạn 2 đối với đa số các mặt hàng bắt đầu từ ngày 16/5, trong khi một số mặt hàng, như hạnh nhân và đậu nành, sẽ chỉ bị đánh thuế từ ngày 1/12 tới. Phía EU giải thích việc này nhằm tạo không gian cho quá trình đàm phán.