Theo đó, người dân bị cấm ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian từ 22h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, trừ đội ngũ y tế và những người có chức trách quan trọng. Trong phát biểu của mình, ông Prayut nói “Tôi tuyên bố cấm người dân ra khỏi nhà hay còn gọi là phong tỏa trên toàn quốc từ 10h đêm đến 4h sáng ngày hôm sau ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như những người thực hiện nhiệm vụ về y tế, ngân hàng, vận chuyển hàng hóa cần thiết cho như cầu sinh hoạt của người dân, thuốc chữa bệnh, trang vật tư y tế, xăng dầu và những trường hợp đi lại của nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại các cảng hàng không nhưng phải được phép của lực lượng chức năng của những đơn vị này cho phép”.
Theo Điều 18 của Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp, người vi phạm quy định này sẽ phải đối mặt với hình phạt không quá 2 năm tù, hoặc phạt tiền không quá 40.000 bath (1.200 USD) hoặc phải chịu cả hai hình phạt.
Quy định trên cũng nêu rõ nếu tỉnh nào có biện pháp mạnh hơn quy định của Chính phủ trung ương thì người dân ở khu vực đó phải tuân thủ quy định của địa phương.
Ông Prayut cho biết chính phủ nước này đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm và dịch vụ cho tất cả người dân Thái, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các cửa hàng, dân buôn hoặc người dân cố tình lợi dụng tình hình để trục lợi.
Theo Thủ tướng Thái Lan, thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh cũng là lợi ích của công chúng. Để đảm bảo thông tin một cách đầy đủ, chính xác, chính phủ nước này đã thiết lập một trung tâm thông tin để phổ biến thông tin thống nhất thông qua các thông báo, phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình. Ông Prayut cũng khẳng định “những ai phát tán tin giả sẽ bị trừng trị theo pháp luật”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Prayut đã kêu gọi công dân Thái đang ở nước ngoài liên hệ với các đại sứ quán của nước này nếu có nhu cầu trở về nước để chính phủ điều phối việc hồi hương của họ.