Kế hoạch mới được công bố trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 20/3, của Thủ tướng Kishida tới Ấn Độ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết mục tiêu chuyến thăm là “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt Ấn Độ-Nhật Bản". Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định mối quan hệ này phát triển dựa trên "các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng luật pháp quốc tế" - cũng là những yếu tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Kishida cho biết kế hoạch mới về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở được xây dựng dựa trên "4 trụ cột" bao gồm gìn giữ hòa bình, giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua hợp tác giữa các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đạt kết nối toàn cầu thông qua nhiều nền tảng khác nhau và bảo đảm an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở.
Theo đó, Thủ tướng Kishida cam kết chi 75 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tới năm 2030, thông qua đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng đồng yen, cũng như các khoản viện trợ thông qua hỗ trợ và trợ cấp chính phủ.
Kế hoạch này được xem là một phần nỗ lực của Tokyo nhằm thắt chặt quan hệ đối tác với các nước ở Nam Á và Đông Nam Á.Theo Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với New Delhi trong việc đóng góp vào sự ổn định ở khu vực Nam Á. Thủ tướng Kishida cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) là một tầm nhìn dài hạn, với mục tiêu bảo vệ pháp quyền và tự do. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ khi góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này.
Tại cuộc hội đàm diễn ra ngày 20/3, nhà lãnh đạo hai nước đã cùng xem xét những tiến bộ trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, công nghệ kỹ thuật số, thương mại và đầu tư, y tế và các lĩnh vực khác. Ông Modi cho biết cả hai bên cũng thảo luận tầm quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida và Modi đã nhất trí hợp tác hướng tới việc tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mà hai nước dự kiến đăng cai trong năm nay.
Quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản được nâng lên thành “Đối tác toàn cầu” năm 2000, “Đối tác chiến lược và toàn cầu” năm 2006 và “Đối tác chiến lược toàn cầu và đặc biệt” năm 2014. Hai nước hình thành cơ chế họp Thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2006, và đã thiết lập cơ chế 2+2 họp cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng. Cả New Delhi và Tokyo hiện đều là thành viên của nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD), cùng hai thành viên khác là Australia và Mỹ.
Năm 2022, Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành các chuyến thăm chính thức hai chiều. Hợp tác quốc phòng, an ninh nổi lên là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu và đặc biệt, là yếu tố quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên năm ngoái đạt 20,75 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Ấn Độ và Nhật Bản là đối tác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) từ năm 2011. Hiệp định không chỉ bao gồm thương mại hàng hóa mà còn cả dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan và các vấn đề liên quan đến thương mại khác.