Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 19/3 đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ trên trong bài phát biểu tại Quốc hội sau khi các mạng xã hội đã trở thành công cụ "truyền virus cực đoan" cho hung thủ thực hiện vụ xả súng đẫm máu vào 2 thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch hồi cuối tuần trước khiến 50 người thiệt mạng.
Thủ tướng Ardern nhấn mạnh rằng các mạng xã hội đóng một vai trò trong vụ xả súng này. Bà nói: "Không còn nghi ngờ về việc các tư tưởng và lời nói mang tính phân biệt và thù địch đã tồn tại trong hàng thập kỷ, song hình thức truyền bá chúng thì hoàn toàn mới. Chúng ta không thể đơn thuần chấp nhận rằng các mạng xã hội tồn tại và không chịu trách nhiệm về những nội dung đăng tải trên đó". Bà khẳng định "các mạng xã hội không thể hoạt động tất cả vì lợi nhuận mà không chịu trách nhiệm".
Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo New Zealand được cho là "thách thức" đối với quan điểm của Mỹ về mạng xã hội theo một đạo luật về thông tin được Quốc hội Mỹ lần đầu phê chuẩn năm 1996. Đạo luật quy định rằng các diễn đàn mạng đóng vai trò giống như "công ty điện thoại" hoặc "nhân viên bưu điện" chứ không phải là "nhà xuất bản". Do vậy, các mạng xã hội như Facebook và Twitter không chịu trách nhiệm về những bài phát biểu được đăng tải trên các nền tảng của mình.
Hiện người dân các nước đang có một cái nhìn khắt khe về vai trò của mạng xã hội trong đời sống hàng ngày trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít về người da trắng thượng đẳng đang lan rộng.
Hung thủ thực hiện vụ xả súng, kẻ luôn coi người da trắng là thượng đỉnh, đã sử dụng súng bán tự động sát hại 50 người tại hai thánh đường Hồi giáo tại Christchurch, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Hắn đồng thời đã phát tán video truyền trực tiếp trên tài khoản Facebook. Đoạn video dài 17 phút này không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội mà còn gần như không thể xóa được tận gốc.
Việc đoạn video này được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay Youtube, cũng như lan truyền trong các "ngóc ngách" khác trên Internet đã khiến các công ty công nghệ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch.
Ngày 16/3, Facebook cho biết đã xóa 1,5 triệu video sau vụ xả súng ở New Zealand trên toàn cầu, trong đó có 1,2 triệu video bị chặn trong quá trình tải lên. Thủ tướng Ardern cho biết muốn làm việc với Facebook về tính năng phát trực tiếp trên mạng xã hội này. Trong khi đó, các hãng cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại New Zealand đang phong tỏa một số trang mạng không gỡ đoạn video quay cảnh thảm sát ở Christchurch.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Ardern cũng cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện nhằm đảm bảo không lặp lại thảm kịch Christchurd một lần nữa, đồng thời cho biết sẽ xem xét "một cách nghiêm túc" các đạo luật về súng của nước này.
Dự kiến, Chính phủ New Zealand sẽ cấm vũ khí bán tự động trong những tuần tới, điều mà Mỹ không làm được trong bối cảnh chính tại Mỹ cũng xảy ra một loạt các vụ xả súng.