Thủ tướng May: Thỏa thuận sơ bộ về Brexit đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân Anh

Ngày 14/11, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thỏa thuận sơ bộ mới đạt được để đưa quốc gia này rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đã thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) tại cuộc họp của Hạ viện Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Anh sau khi vấp phải những chỉ trích về thỏa thuận sơ bộ mới đạt được, bà May khẳng định thỏa thuận này sẽ đảm bảo chấm dứt tình trạng người nhập cư ồ ạt kéo đến quốc gia này và cho phép Anh tự xây dựng chính sách thương mại. Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận bao gồm một loạt "rào chắn" phụ nhằm tránh một biên giới cứng với CH Ireland nhưng cũng cho biết thêm sẽ có một chính sách đảm bảo tạm thời trong khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại. 

Bà May khẳng định Chính phủ Anh muốn đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại vào cuối tháng 12/2020, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Thách thức rất lớn sắp tới của Thủ tướng Theresa May là bà phải thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận mới đạt được với EU. Để thông qua được thỏa thuận, bà May cần được sự ủng hộ của 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện. Đó là thách thức rất lớn mà bà phải vượt qua. Phe ủng hộ Brexit cứng rắn trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà cáo buộc bà ‘đầu hàng trước áp lực của EU’.

Nội các Anh cũng sẽ họp trong ngày 14/11 để xem xét bản thỏa thuận sơ bộ này.

Trong khi đó, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar cho biết EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 25/11 tới để ký thông qua thỏa thuận sơ bộ mới đạt được với Anh. Phát biểu trước các nghị sĩ của quốc gia này, Thủ tướng Varadkar cho biết nếu chính phủ của Thủ tướng May thông qua thỏa thuận này, EU sẽ công bố bản dự thảo vào cuối ngày 14/11.

Trước đó, Anh và EU cuối cùng đã đạt dự thảo thỏa thuận chia tay nhờ đột phá trong vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland. Hiện vẫn chưa rõ vấn đề biên giới với CH Ireland được giải quyết như thế nào. Chính phủ Anh vẫn chưa công bố chi tiết của thỏa thuận này vốn dài hàng trăm trang này.

Chỉ còn chưa đến 5 tháng nữa là đến hạn nước Anh phải ra khỏi EU, cái gọi là đường biên giới mềm giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, quốc gia thành viên EU, là vấn đề vướng mắc chính khiến hai bên suốt thời gian dài vừa qua không tìm được tiếng nói chung. Đường biên giới mềm này là chính sách bảo đảm để tránh quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai bên. Hồi năm ngoái, cả hai bên đều nhất trí cần thiết lập biên giới đất liền mở giữa Anh và CH Ireland bằng mọi giá nhưng quá trình đàm phán sau đó liên tục đi vào ngõ cụt vì cả hai bên không thống nhất được cách triển khai. Trong động thái mới nhất ghi nhận sự nhượng bộ của cả hai bên, một thỏa  thuận "rào chắn" đã được nhất trí. Theo đó, EU được cho là đã chấp nhận đề xuất về áp dụng thuế quan chung với toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland nhưng kèm các điều kiện để Bắc Ireland duy trì mối quan hệ mật thiết hơn với EU. Điều này cho thấy có thể sẽ có các hoạt động kiểm tra hải quan với hàng hóa giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh. Đổi lại, Anh đồng ý nhượng bộ EU trong một số lĩnh vực như bảo hộ nhà nước, cạnh tranh, môi trường và quyền người lao động để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không tạo ra những mặt bằng thấp hơn so với EU trong những lĩnh vực này. Thỏa thuận cũng nhất trí về một số cơ chế đánh giá tuy chưa đảm bảo những yêu cầu của Anh đưa ra trước đó về mặt thời gian thu xếp và quyền được đơn phương rút lui.

Những điểm trên được cho là thể hiện sự nhượng bộ từ cả hai phía bởi trước đây EU từng đề xuất coi Bắc Ireland là một trong các yếu tố thuộc thị trường chung EU và liên minh thuế quan, đồng nghĩa với việc vùng này sẽ phải tuân thủ các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng và các mức thuế của EU. Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May và đảng DUP tại Bắc Ireland đều cho rằng đề xuất này là không thể chấp nhận được vì sẽ tách rời vùng Bắc Ireland ra khỏi Anh và tạo một biên giới trên biển Ireland. Nhiều ý kiến khi đó đã đề xuất cách làm khác là thiết lập một thỏa thuận thuế quan tạm thời giữa EU với cả Anh và Bắc Ireland.

Sau khi Anh rời EU, biên giới với CH Ireland sẽ trở thành một đường biên ngoài của EU. Anh muốn rời khỏi liên minh thuế quan EU, thị trường chung EU, cũng đồng nghĩa với việc phải thiết lập các điểm kiểm tra tra hải quan với người dân và sản phẩm vận chuyển qua đường biên này. Nhưng cả Anh và EU đều cam kết tránh thiết lập một "biên giới cứng" hay đường biên với những chốt hải quan, cửa khẩu hiện hữu vì điều này sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình mong manh vốn đã giúp chấm dứt 3 thập kỷ xung đột bạo lực khiến 3.500 người thiệt mạng. Đường biên giới này từng là địa điểm diễn ra những cuộc tấn công đẫm máu và cả các hoạt động buôn lậu phức tạp. Các lực lượng an ninh đều cảnh báo việc thiết lập bất kỳ điểm kiểm soát hay cơ sở vật chất nào ở đường biên này đều có thể trở thành cái cớ để những tổ chức bán quân sự và các tay súng không tham gia hiệp ước hòa bình hoạt động trở lại.

Lê Ánh (TTXVN)
Đạt được thỏa thuận Brexit, Chính phủ Anh vẫn còn rất nhiều ‘cửa ải’
Đạt được thỏa thuận Brexit, Chính phủ Anh vẫn còn rất nhiều ‘cửa ải’

Cuối cùng, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời EU (Brexit). Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa xong, thậm chí mới chỉ là bước đầu trong tiến trình phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN