Thủ tướng Iraq từ chối lập chính phủ dân tộc khẩn cấp

Ngày 25/6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã bác bỏ khả năng thành lập một chính phủ dân tộc khẩn cấp để đương đầu với cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đã chiếm giữ một phần lớn đất nước.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng al-Maliki cho biết lời kêu gọi thành lập chính phủ dân tộc khẩn cấp thực chất là một cuộc đảo chính đi ngược Hiến pháp và tiến trình chính trị. Theo ông, đây là âm mưu của những kẻ chống lại Hiến pháp nhằm xóa bỏ tiến trình dân chủ non trẻ và đánh cắp lá phiếu của cử tri.

Các thành viên Lữ đoàn phản ứng nhanh Iraq tuần tra trên đường phố thành phố miền tây Ramadi, tỉnh Anbar, nơi quân Chính phủ đang giao tranh với lực lượng Hồi giáo nổi dậy, ngày 24/6. Ảnh AFP/ TTXVN


Theo kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hồi tháng Tư vừa qua, liên minh Nhà nước pháp quyền của Thủ tướng al-Maliki đã giành được 92 trong tổng số 328 ghế trong cơ quan lập pháp, nhưng vẫn không giành được đa số ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Do vậy, đảng của ông al-Maliki cần phải liên minh với các đảng khác.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự do các phiến quân thuộc tổ chức tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL) tiến hành đã khiến chính quyền của ông al-Maliki phải chịu sức ép từ những đối thủ ở trong và ngoài nước, với chỉ trích cho rằng các chính sách của ông mang tính phe phái.

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ngày 25/6, Mặt trận Al-Nusra, nhánh Al-Qaeda tại Syria, đã thề trung thành với ISIL. Sự kiện này diễn ra tại một thị trấn quan trọng ở biên giới giữa hai nước.

Theo SOHR, việc hợp nhất này đã dọn đường cho ISIL kiểm soát cả 2 bên đường biên tại tỉnh Albu Kamal ở Syria và tỉnh Al-Qaim ở Iraq- nơi ISIL đã phát động cuộc tấn công lớn tại Iraq trong tháng này.

Trong bối cảnh trên, ngày 25/6, phát ngôn viên an ninh của Thủ tướng al-Maliki, Trung tướng Qassem Atta, cho biết Baghdad muốn một "cuộc can thiệp thực sự" của Mỹ, nước đã tham gia cuộc chiến đẫm máu tại Iraq trong nhiều năm qua, để giúp quốc gia Vùng Vịnh này chiến đấu chống lại cuộc tấn công trên diện rộng của ISIL.

Phát biểu trên truyền hình, tướng Qassem Atta bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc can thiệp (của Mỹ) thực sự để mang tới sự trợ giúp thực sự cho Iraq. Ông cho biết các cố vấn quân sự của Mỹ đã bắt đầu gặp các chỉ huy của Iraq.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng từ chối yêu cầu của Iraq muốn Mỹ tiến hành không kích để đổi chiều cuộc chiến. Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng thông báo cử 300 cố vấn quân sự tới giúp đỡ Iraq, nhưng khẳng định không đưa quân trở lại tham chiến ở quốc gia vùng Vịnh này.


TTXVN/Tin Tức
Cố vấn quân sự Mỹ bắt đầu làm nhiệm vụ tại Iraq
Cố vấn quân sự Mỹ bắt đầu làm nhiệm vụ tại Iraq

Lầu Năm Góc cho biết các nhóm đầu tiên trong số 300 cố vấn quân sự của Mỹ đã bắt đầu nhiệm vụ tại Baghdad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN